Danh sách chuyên khoa

Danh sách dịch vụ

An tâm sử dụng PrEP, không lo tác dụng phụ.

PrEP là một trong những“vũ khí” tối ưu góp phần hạn chế HIV lây lan cho cộng đồng. Thuốc chống lây nhiễm PrEP được chỉ định dùng 1 lần/ ngày để ngăn ngừa sự phát triển của virus HIV.

Đối tượng sử dụng thuốc là những người chưa nhiễm HIV (HIV âm tính) và thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao. Nhiều bạn có thể thắc mắc thuốc PrEP có an toàn không? Có tác dụng phụ không? Đối với những trường hợp nào chống chỉ định sử dụng PrEP? Qua đây tôi muốn cung cấp những thông tin giúp mọi người biết rõ hơn về PrEP để yên tâm dùng PrEP phòng HIV cho bản thân nhé.

1. Liệu pháp PrEP hoạt động như thế nào trong việc ngăn ngừa HIV?

Dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) bao gồm việc dùng thuốc kháng virus hay chất ức chế men sao chép ngược nucleoside của HIV (NRTI) để ngăn chặn sự phát triển của virus HIV trong cơ thể người dùng. Liệu pháp này thường sử dụng kết hợp của 2 hoạt chất là: Tenofovir Disoproxil Fumarate (TDF) 300mg và Emtricitabine (FTC) 200mg. Nếu uống thường xuyên, thuốc rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa các trường hợp nhiễm HIV.

Lưu ý: Trước khi bắt đầu sử dụng PrEP và tối thiểu 3 tháng/ lần trong thời gian điều trị bằng thuốc, bạn sẽ cần phải xét nghiệm HIV và có kết quả âm tính.

Nếu đã tiếp xúc với HIV hoặc có các triệu chứng cấp tính, người bệnh sẽ phải đợi để chắc chắn rằng mình có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi tiếp tục dùng thuốc PrEP. Không được dùng PrEP cho những người đang mắc HIV.

Thuốc PrEP khá là an toàn và hầu hết những người dùng PrEP không ghi nhận tác dụng phụ nào. Cũng giống như tất cả các loại thuốc khác, cơ thể bạn có thể có một vài phản ứng trong quá trình làm quen và tiếp nhận thuốc và các biểu hiện này thường khác nhau với mỗi người. Cùng hiểu về một số tác dụng phụ bạn có thể gặp theo thông tin từ các tài liệu khoa học, cũng như đúc rút từ kinh nghiệm tư vấn nhiều khách hàng PrEP của tôi.

2. Một số tác dụng phụ có thể gặp, nhẹ và kéo dài khoảng 1-2 tuần như:

2.1. Buồn nôn và nôn

Một tác dụng phụ có thể xảy ra của PrEP là buồn nôn, có thể là cảm giác nôn nao, khó chịu hoặc khó chịu trong dạ dày và đôi khi muốn nôn. Nếu bạn đang gặp phải điều này, nó thường sẽ hết sau vài tuần đầu tiên dùng PrEP. Như một số người dùng PrEP đã nhận thấy, uống thuốc trong hoặc ngay sau bữa ăn có thể làm giảm cảm giác buồn nôn.

2.2. Rối loạn hệ thần kinh nhẹ như nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ

10% những người sử dụng có đau đầu. Những biểu hiện này cũng sẽ tự mất trong vài ngày dùng thuốc. Nếu bạn thấy tình trạng đau đầu kéo dài, bạn có thể gặp bác sĩ để được tư vấn. Bác sĩ của bạn có thể đề nghị bạn dùng paracetamol để hỗ trợ giảm đau đầu.

2.3. Rối loạn tiêu hóa

Mặc dù không phổ biến nhưng một số bạn nam có thể thấy nhu cầu đi vệ sinh thường xuyên hơn và khi đi vệ sinh có thể lỏng hơn hoặc chảy nhiều hơn bình thường. Tình trạng này sẽ tự khỏi, thường tối đa là sau 4 tuần. Trong quá trình tư vấn, có người dùng đã hỏi tôi: “Tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài khiến em rất mệt mỏi. Em có nên dừng thuốc PrEP không và có được dùng thuốc đi ngoài không?”. Như câu hỏi này thì đây là tác dụng phụ của thuốc, bạn sẽ khỏi trong khoảng một tuần. Nếu việc đi ngoài ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, bạn có thể uống thuốc đi ngoài và bù nước cho cơ thể. Một số người thấy tốt hơn khi uống thuốc trong bữa ăn, bạn hãy thử nghiệm nhé.

2.4. Mẩn ngứa ở da

Một số trường hợp gặp các rối loạn ở da như là: mày đay, ban rộp và ngứa. Tình trạng này ít gặp và nếu có cũng sẽ mất sau vài ngày uống thuốc.

Tác dụng phụ rất ít gặp, kéo dài lâu hơn gồm:  

2.5. Giảm nhẹ chức năng gan thận

Hầu hết người uống PrEP không có ảnh hưởng nhiều đến gan thận và sẽ phục hồi sau khi dừng thuốc, tuy nhiên, các chuyên gia khuyến khích mọi người uống kèm nhiều nước mỗi ngày.

Nếu có tác dụng phụ kéo dài bất thường thì bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ để được xử lý kịp thời, không nên tự ý xử lý. Đây cũng là lý do bạn nên tái khám PrEP định kỳ để bác sĩ có thể thường xuyên theo dõi sức khỏe của bạn.

3. An toàn khi sử dụng với hormone

PrEP không ảnh hưởng tới việc điều trị hormone của người chuyển giới. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn lo ngại về vấn đề này, bạn có thể tới các phòng khám chuyên môn để tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ.

4. An toàn cho phụ nữ mang thai và cho con bú

Điều trị PrEP khá an toàn cho phụ nữ có thai và cho con bú có nguy cơ cao nhiễm HIV. Mặc dù các nghiên cứu PrEP không tập trung vào quần thể này nhưng có các dữ liệu về sử dụng an toàn TDF/FTC (thành phần của thuốc ARV) ở phụ nữ có thai/cho con bú nhiễm HIV.

5. Những trường hợp chống chỉ định sử dụng PrEP bao gồm:

– Những người HIV dương tính hoặc chưa xác định được

– Người có dấu hiệu hoặc triệu chứng của nhiễm HIV cấp tính

– Rối loạn chức năng thận (độ thanh thải Creatinin ước lượng <60ml/phút)

– Dị ứng với TDF và FTC

– Phơi nhiễm với HIV trong 72 giờ qua

Bạn thấy đó, những tác dụng phụ của PrEP thường rất hiếm và nhanh chóng mất đi, PrEP đã được khuyên dùng bởi Tổ chức y tế thế giới nên việc sử dụng không ảnh hưởng tới sức khoẻ của mình. Ngược lại, đây là người bảo vệ tuyệt vời của bạn.

Qua đây các bạn muốn sử dụng PrEP miễn phí để bảo vệ bản thân tránh khỏi bị HIV thì hãy liên hệ ngay Phòng khám đa khoa Biển Việt nhé.

Địa chỉ: Số nhà 18, Nhà Vườn 1, Tổng Cục 5, Bộ Công An, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội (cuối đường Chiến Thắng Hà Đông).

Điện thoại: 0812217575/ 0983078836

An tâm sử dụng PrEP, không lo tác dụng phụ.
Hotline0812217575