Danh sách chuyên khoa

Danh sách dịch vụ

Bộ y tế Việt Nam cung cấp thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao

Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá cao nỗ lực tiên phong của Việt Nam trong công tác dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho người có nguy cơ nhiễm HIV

30 Tháng 11 Năm 2018

Nhân dịp Ngày Thế giới phòng chống bệnh AIDS, Chính phủ Việt Nam phối hợp với các đối tác phát động triển khai dich vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoan nghênh quyết định của Bộ Y tế Việt Nam về việc cung cấp thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm HIV. 

Chuyển biến này được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy nhanh hơn tiến độ giảm tỉ lệ nhiễm mới HIV ở Việt Nam, nhất là trong nhóm quần thể có nguy cơ lây nhiễm HIV cao như nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). 

WHO khuyến nghị điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV với những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao từ năm 2015. Đây là một phần của chiến lược dự phòng HIV phối hợp và nhấn mạnh việc khám lâm sàng định kỳ khi sử dụng PrEP, sử dụng bao cao su và các dịch vụ sức khỏe tình dục khác. 

Năm 2017, WHO đã giới thiệu bộ công cụ triển khai PrEP nhằm hỗ trợ các quốc gia mong muốn thực hiện điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV qua đường uống. Điều đáng nói là Việt Nam đã cùng với Thái Lan, New Zealand và Australia là những nước đi đầu trong khu vực Châu Á và Thái Bình Dương triển khai PrEP trên toàn quốc. Tại Việt Nam, dịch HIV tập trung chủ yếu ở nhóm quần thể đích bao gồm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM); người sử dụng ma túy (PWID), người chuyển giới nữ (TWG), và phụ nữ bán dâm (FSWs). 

Ts Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng, Cục Phòng, Chống HIV/AIDS đã phát biểu tại buổi lễ phát động “Đối với Việt Nam, khuyến cáo của WHO về PrEP là rất phù hợp và đúng lúc. Mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm trên phạm vi toàn quốc sẽ góp phần phòng ngừa lan truyền HIV và giúp Việt Nam đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030”.

Ts Gottfried Hirnschall/ Giám đốc Chương trình HIV của Tổ chức Y tế Thế giới tại Thụy Sĩ phát biểu "Chúng tôi hoan nghênh Bộ Y tế Việt Nam đã chỉ đạo việc mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Đây là một bước tiến quan trọng có thể giúp Việt Nam phòng ngừa và dừng hẳn việc nhiễm HIV mới. Chúng tôi hi vọng việc triển khai sử dụng PrEP tại Việt Nam sẽ khuyến khích các nước khác trong khu vực tham gia, đặc biệt là khu vực bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ nhiễm HIV cao trong các quần thể đích".

Việt Nam áp dụng điều trị PrEP theo các giai đoạn. Bắt đầu từ tháng 3 năm 2017, Việt Nam tiến hành thí điểm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho nhóm MSM, TWG và đối tác có HIV âm tính của những người nhiễm HIV ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. 

Các dự án thí điểm được hỗ trợ từ nguồn kính phí của Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Phòng chống AIDS (PEPFAR) thông qua Dự án Thúc đẩy Tăng trưởng Thị trường của PATH và Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Sức khỏe Nam giới và Cộng đồng (CARMAH) với sự hỗ trợ của UNAIDS. 

Các dự án thí điểm cho thấy có thể thực hiện điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV tại địa phương thông qua nhiều mô hình khác nhau mà vẫn bảo đảm tính an toàn, hiệu quả, sự tiếp nhận và khả thi. Ngoài ra, các kết quả thí điểm đã cung cấp thông tin cho việc lập kế hoạch để mở rộng triển khai trên phạm vi toàn quốc. 

TS Nguyễn Thị Thúy Vân, Cán bộ chuyên môn về HIV, Văn Phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết “Việt Nam đã đi đầu trong việc áp dụng các khuyến cáo của WHO vào chương trình HIV quốc gia. Không chỉ thực hiện thành công các dự án thí điểm, Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng PrEP trên 10 tỉnh trong toàn quốc vào năm 2019. Đây là bước tiến vô cùng quan trọng đặc biệt trong bối cảnh gia tăng tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng MSM trên cả nước”

Chiến lược của Việt Nam trong việc triển khai PrEP là mô hình cung cấp dịch vụ PrEP phối hợp bao gồm cả phòng khám ngoại trú công lâp, phòng khám tư nhân và các tổ chức dân sự xã hội. Chính sách, hướng dẫn quốc gia, công cụ triển khai và tài liệu tập huấn đã được xây dựng. Cho đến nay đã có trên 2000 người được điệu trị dự phòng PrEP tại các dự án thí điểm. 

Gần đây nhất, một cuộc hội thảo khu vực đã diễn ra tại Băng cốc Thái Lan do WHO, UNAIDS và UNITAID phối hợp tổ chức đã thảo luận về việc làm thế nào để các quốc gia có thể triển khai mở rộng PrEP trên toàn quốc. Việt Nam và 12 quốc gia khác đã tham gia trong hội thảo này và đã cùng với các đối tác lập kế hoạch quốc gia để triển khai và mở rộng PrEP trên toàn quốc.

Các nỗ lực thực hiện và mở rộng PrEP được Liên minh PrEP Toàn cầu (GPC) hỗ trợ. Đây là một cơ chế hợp tác do WHO chủ trì (được UNTAID hỗ trợ tài chính) nhằm thúc đẩy đối thoại và hợp tác toàn cầu về PrEP.

(Theo http://www.wpro.who.int)

Bộ y tế Việt Nam cung cấp thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao
Hotline0812217575