Bệnh đái tháo đường có thể được kiểm soát tốt hơn với việc bổ sung các loại hạt trong chế độ ăn uống của người bệnh. Một số loại hạt như hạnh nhân, hạt Brazil, hạt điều, hạt dẻ, quả phỉ, macadamias, hồ đào, hạt thông, quả hồ trăn và quả óc chó chứa đầy các chất dinh dưỡng có lợi cho người bị bệnh tiểu đường.
1. Lý do người mắc đái tháo đường nên ăn các loại hạt
Kết quả của một nghiên cứu gần đây, được xuất bản trên tạp chí Nghiên cứu tuần hoàn của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy, đối với một người mắc đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường type 2 thì việc bổ sung một số loại hạt vào bữa ăn hàng ngày có thể cũng quan trọng đối với sức khỏe lâu dài của họ ngang với việc tập thể dục thường xuyên cũng như kiểm tra lượng đường trong máu.
Trong đó, các nhà nghiên cứu kết luận rằng khi thường xuyên ăn các loại hạt mỗi tuần, bệnh nhân đái tháo đường type 2 có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch thấp hơn 17%. Ngoài ra, những người mắc đái tháo đường type 2 ăn các loại hạt thường xuyên có nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch thấp hơn 34%, nguy cơ bệnh mạch vành thấp hơn 20% và giảm 31% nguy cơ tử vong sớm.
Các tác giả nghiên cứu giải thích, ăn các loại hạt ít hơn năm lần mỗi tuần vẫn mang lại lợi ích, nhưng ít hơn so với những người ăn các loại hạt gần như hàng ngày. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các loại hạt đặc biệt mang lại nhiều lợi ích cho trái tim của mỗi người. Các loại hạt chứa nhiều dinh dưỡng phổ biến bao gồm hạnh nhân, quả hạch Brazil, hạt điều, quả óc chó, hạt macadamia, quả hồ đào, quả hồ trăn, hạt thông, hạt dẻ và hạt hướng dương. Điều quan trọng cần nhớ là đậu phộng không phải là một loại hạt mà là một cây họ đậu. Đậu phộng có thể là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh, nhưng hiện các nhà khoa học vẫn chưa chứng minh được những lợi ích đối với sức khỏe mà đậu phộng mang lại có thể giống như các loại hạt khác.
2. Tại sao các loại hạt tốt cho sức khỏe tim mạch của bệnh nhân đái tháo đường?
Bí mật đằng sau khả năng cải thiện sức khỏe tim mạch của các loại hạt là những kết quả tác động tích cực của chúng đối với huyết áp của mỗi người, đặc biệt là những người mắc đái tháo đường. Ngoài ra, các loại hạt còn tác động đến khả năng chuyển hóa chất béo trong cơ thể, lượng đường trong máu, mức độ viêm tổng thể của cơ thể và sức khỏe của các mạch máu.
Giảm nguy cơ về các vấn đề sức khỏe này cũng có thể giúp giảm nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa. Hội chứng chuyển hóa được đặc trưng bởi năm yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng phát triển bệnh tim, đái tháo đường type 2 và đột quỵ. Năm yếu tố rủi ro bao gồm:
- Tăng huyết áp (lớn hơn 130/85 mm Hg);
- Lượng đường trong máu cao (kháng insulin);
- Lượng mỡ thừa quanh eo lớn;
- Nồng độ chất béo trung tính cao;
- Nồng độ cholesterol tốt (HDL cholesterol) thấp.
Đối với những bệnh nhân đã và đang sống chung với bệnh đái tháo đường type 2, nguy cơ phát triển bệnh tim hoặc đột quỵ là rất cao. Thực hiện các bước để giảm nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa có nghĩa là giảm nguy cơ mắc các bệnh lý kèm theo này. Hội chứng chuyển hóa được chẩn đoán dựa trên năm đánh giá tổng hợp về chu vi vòng eo, chất béo trung tính trong máu lúc đói, mức cholesterol, huyết áp và lượng đường trong máu lúc đói.
Bên cạnh lời khuyên về tập thể dục thường xuyên, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh thì bổ sung vào chế độ ăn các loại hạt cũng là phương pháp cần được chú ý đến. Elisabeth Arme Kinder, một nhà văn tự do chuyên viết về bệnh đái tháo đường chia sẻ: “Các loại hạt cây đã cho thấy một cách nhất quán trong nghiên cứu để giảm các dấu hiệu viêm đối với bệnh tim và đái tháo đường, đồng thời giúp tăng lượng lipoprotein mật độ cao bảo vệ trái tim của bạn cũng như tác động đến các vấn đề sức khỏe khác”. Alle Kinder, cũng là thành viên của Hội đồng Đái tháo đường, giải thích rằng lipoprotein mật độ cao là sự kết hợp của cholesterol, chất béo trung tính và protein. Lipoprotein đóng một vai trò quan trọng trong việc hấp thụ và vận chuyển chất béo trong chế độ ăn uống trong ruột non. Chúng cũng vận chuyển cholesterol và chất béo trung tính có lợi từ gan đến các bộ phận khác của cơ thể. Bất chấp những lo ngại về sức khỏe xung quanh nồng độ cholesterol và chất béo trung tính, cơ thể vẫn cần một số lượng nhất định cả hai để sản xuất một số hormone và mật trong gan.
Cholesterol cũng là một loại nguyên liệu quan trọng cho các mô cơ bản của con người như da và sụn. Và như đã biết, các loại hạt là một trong những thực phẩm có khả năng cung cấp nhiều chất béo lành mạnh nhất. Theo Mayo Clinic, chất béo trong chế độ ăn uống chủ yếu là chất béo không bão hòa đơn, được biết đến với khả năng giúp giảm cholesterol và bảo vệ chức năng của tim mạch.
3. Những loại hạt tốt nhất cho bệnh nhân đái tháo đường
3.1. Hạt hạnh nhân
Hạnh nhân có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho những người mắc đái tháo đường. Một nghiên cứu từ năm 2011 cho thấy rằng việc kết hợp hạnh nhân vào chế độ ăn của những người tham gia mắc bệnh đái tháo đừng type II trong 12 tuần ảnh hưởng tích cực đến lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch. Một nghiên cứu gần đây hơn, bắt đầu từ năm 2017, đã xem xét tác động của việc tiêu thụ hạnh nhân hàng ngày trong 24 tuần ở những người mắc bệnh đái tháo đường type II. Các tác giả cho thấy rằng kết hợp hạt hạnh nhân vào chế độ ăn uống giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Hạnh nhân làm giảm mức cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL) trong cơ thể, một trong những nguyên nhân có thể gây ra tình trạng tắc nghẽn động mạch. Chúng làm tăng lượng cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL cholesterol) và giúp loại bỏ cholesterol có hại (LDL cholesterol) khỏi động mạch. Đây là một phần lý do tại sao hạnh nhân làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
3.2. Quả óc chó
Quả óc chó có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường. Quả óc chó có hàm lượng calo cao. Tuy nhiên, một nghiên cứu trên BMJ Open Diabetes Research & Care cho thấy rằng chúng không có tác động lớn đến trọng lượng hoặc thành phần cơ thể. Các nhà nghiên cứu đã chỉ định 112 người tham gia có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường theo chế độ ăn ít calo hoặc chế độ ăn giàu quả óc chó trong 6 tháng. Họ phát hiện ra rằng chế độ ăn giàu quả óc chó có thể cải thiện tỷ lệ cholesterol tốt (HDL cholesterol) so với cholesterol xấu (LDL cholesterol) mà không ảnh hưởng tiêu cực đến thành phần cũng như cân nặng của cơ thể. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra sự hiệu quả giữa việc tiêu thụ quả óc chó và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở 34.121 người. Họ phát hiện ra rằng những người thường xuyên ăn quả óc chó hoặc những sản phẩm chế biến từ quả óc chó có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường bằng một nửa so với những người không ăn hạt trong giai đoạn này.
3.3. Hạt điều
Hạt điều có thể giúp cải thiện tỷ lệ cholesterol tốt (HDL cholesterol) so với cholesterol xấu (LDL cholesterol) và làm giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch. Trong một nghiên cứu năm 2018, các nhà nghiên cứu đã cho 300 người tham gia mắc bệnh đái tháo đường type II ăn một chế độ ăn giàu hạt điều hoặc một chế độ ăn thông thường cho bệnh tiểu đường. Những người theo chế độ ăn giàu hạt điều có huyết áp thấp hơn và mức cholesterol tốt (HDL cholesterol) cao hơn sau 12 tuần. Hạt điều cũng không có tác động tiêu cực đến mức đường huyết hoặc cân nặng của các đối tượng nghiên cứu.
3.4. Hạt hồ trăn
Hạt hồ trăn hay còn gọi là hạt dẻ cười tương đối giàu năng lượng, nhưng chúng chứa một lượng chất xơ và chất béo có lợi cho sức khỏe. Là một phần của nghiên cứu năm 2015, các nhà nghiên cứu đã cho những người tham gia mắc bệnh đái tháo đường type II trong 4 tuần ăn một chế độ ăn giàu hạt dẻ cười hoặc một chế độ ăn uống bình thường. Họ phát hiện ra rằng tỷ lệ giữa cholesterol tốt (HDL cholesterol) và cholesterol xấu (LDL cholesterol) tốt hơn đáng kể ở nhóm ăn hạt dẻ cười, so với nhóm ăn kiêng thông thường. Những người thường xuyên ăn hạt dẻ cười cũng có mức chất béo trung tính thấp hơn, cho thấy sức khỏe tim mạch tốt hơn.
3.5. Đậu phộng
Đậu phộng rất giàu protein và chất xơ. Chúng là một trong những nguồn cung cấp protein và chất xơ dồi dào. Ngoài ra đậu phộng còn có thể giúp giảm cân và làm giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch. Một nghiên cứu từ năm 2013 đã xem xét tác động của đậu phộng đối với chế độ ăn của phụ nữ bị béo phì có nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường type 2. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng thêm đậu phộng vào ngũ cốc giúp kiểm soát lượng đường trong máu cũng như làm giảm cảm giác thèm ăn ở những người tham gia. Điều này vừa có thể giúp giảm cân và vừa có tác động đáng kể đến nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
Là một loại thực phẩm đa dạng, các loại hạt có thể dễ dàng kết hợp vào một chế độ ăn uống lành mạnh. Chúng có thể là một nguồn cung cấp protein và chất béo có lợi cho những người mắc bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên cũng cần chú ý, các loại hạt cũng là nguồn cung cấp năng lượng rất lớn, do đó, người bệnh cũng cần chú ý đến số lượng để có thể sử dụng một cách hợp lý. Các loại hạt có thể làm một món ăn nhẹ đơn giản. Hầu hết đều an toàn để ăn sống và chúng có sẵn ở nhiều cửa hàng tạp hóa. Những người bị bệnh tiểu đường nên tránh các thực phẩm chứa nhiều muối.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số 0812217575/ 0912075641 hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY
Nguồn tham khảo: medicalnewstoday.com, diabetes.co.uk, medicalnewstoday.com, healthline.com