Danh sách chuyên khoa

Danh sách dịch vụ

Đề phòng bệnh gan ở trẻ em

Lá gan của trẻ vốn dĩ rất non nớt trong khi bệnh gan ở trẻ em vẫn chưa được các bậc cha mẹ quan tâm đúng mức. Do đó, khi phát hiện bệnh là khi trẻ bị bệnh gan mãn tính đã vào giai đoạn có biến chứng. Vậy nên, việc tìm hiểu và thực hiện các biện pháp đề phòng bệnh gan ở trẻ em là vô cùng cần thiết, bắt đầu từ bữa ăn và các sinh hoạt hằng ngày của trẻ.

1. Bệnh gan ở trẻ em là gì?

Gan là một cơ quan quan trọng, chịu trách nhiệm giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn, chuyển hóa và loại bỏ các chất độc hại ra ngoài. Khi gan bị tổn thương nghiêm trọng, đây là điều kiện có thể dẫn đến bệnh gan cấp tính hoặc mãn tính  hoặc suy gan với các biến chứng có thể đe dọa tính mạng.

Mọi người thường nghĩ bệnh gan chỉ gặp ở người lớn nhưng trong thực tế, bệnh gan đang gia tăng tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em, làm trì trệ đến sự phát triển của trẻ cũng như là gánh nặng chi phí điều trị cho các gia đình và đất nước.

Ví dụ, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu đã trở thành nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh gan mạn tính ở trẻ em và thanh thiếu niên ở các nước phương Tây và cả các nước đang phát triển khi đời sống vật chất đã được nâng cao. Số lượng trẻ bị béo phì càng nhiều, không chỉ là yếu tố nguy cơ của bệnh gan nói riêng và còn là các bệnh lý chuyển hóa khác nói chung.

Ngoài ra, còn có các bệnh gan ở trẻ em khác cũng cần được phát hiện sớm và điều trị triệt để trước khi gây tổn thương gan mạn tính:

  • Viêm gan siêu vi B
  • Viêm gan siêu vi C
  • Viêm gan tự miễn
  • Xơ gan bẩm sinh
  • Bệnh gan di truyền như bệnh lưu trữ glycogen, bệnh Wilson, thiếu Alpha1-antitrypsin, bệnh xơ nang...
  • Bệnh đường mật bẩm sinh
  • U nang đường mật
  • Viêm dạ dày tá tràng
  • Thuốc và độc tố như isoniazid, methotrexate, dư vitamin A

2. Các biến chứng có thể xảy ra ở trẻ bị bệnh gan mãn tính là gì?

Những bệnh gan ở trẻ em làm tổn thương nhu mô gan kéo dài có thể gây ra các biến chứng sau đây:

  • Bệnh não gan: giảm chức năng não do sự tích tụ các chất độc hại trong máu
  • Vàng da: sự đổi màu vàng của da và lòng trắng mắt của trẻ do nồng độ bilirubin (sắc tố mật) cao bất thường trong máu
  • Bệnh rối loạn đông máu: một rối loạn chảy máu xảy ra khi máu không đông và có thể dẫn đến chảy máu quá nhiều từ một vết cắt nhỏ hay chảy máu tự phát trong não, trên da, đường tiêu hóa
  • Tăng áp cửa: áp lực cao bất thường trong tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch đưa máu từ ruột đến gan, làm hình thành và tích tụ dịch trong ổ bụng. Nếu áp lực của các tĩnh mạch khác trên thực quản hoặc niêm mạc dạ dày cũng tăng cao thì sẽ có nguy cơ vỡ dãn và gây xuất huyết tiêu hóa.
  • Suy dinh dưỡng: Gan to có thể gây đau bụng hoặc cảm giác no. Đồng thời, chức năng tiêu hóa của gan suy giảm làm trẻ chán ăn, suy kiệt.

3. Làm thế nào để đề phòng bệnh gan ở trẻ em?

Không bao giờ là quá sớm để áp dụng các thói quen lành mạnh nuôi dưỡng sức khỏe cho lá gan của trẻ cho đến suốt đời. Ngay cả khi trẻ bị bệnh gan mãn tính, cha mẹ cần tuân thủ kỹ lưỡng các chế độ dinh dưỡng và tập luyện cho trẻ, nhằm giữ gìn phần gan còn lại cũng như làm chậm tốc độ xảy ra biến chứng.

Các cách phòng tránh bệnh gan ở trẻ em bao gồm:

  • Xây dựng một chế độ ăn lành mạnh

Rau và trái cây nên đặc biệt quan trọng trong chế độ ăn uống của con bạn. Hãy chắc chắn rằng luôn có một loại rau hoặc trái cây trong tất cả các bữa ăn và đồ ăn nhẹ. Nhóm thực phẩm này sẽ cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất giúp gan hoạt động hiệu quả.

Rau có thể được dùng tươi sống, nấu chín, hầm súp, đóng hộp, đông lạnh hay trộn trong món salad. Cho dù bạn trình bày chúng như thế nào, hãy chắc chắn rằng bạn có chúng trên đĩa và thay đổi món ăn thường xuyên. Trẻ em có xu hướng ăn bằng mắt, vì vậy đừng ngần ngại trộn rau và trái cây nhiều màu sắc, kiểu dáng và hình dạng để làm cho món ăn hấp dẫn nhất có thể.

Bên cạnh đó, các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt như gạo nguyên chất, lúa mạch còn vỏ cám, bánh mì ngũ cốc nguyên hạt, bột yến mạch hoặc mì ống từ lúa mì... giúp cung cấp chất xơ và các loại vitamin nhóm B, cần thiết cho sức khỏe gan. Những loại thực phẩm này nên có mặt trong tất cả các bữa ăn, nhưng với số lượng nhỏ hơn. Điều quan trọng là các sản phẩm này đã không trải qua bất kỳ sự chế biến nào hoặc chỉ có rất ít.

  • Hạn chế các loại thực phẩm không lành mạnh

Thức ăn nhanh có liên quan trực tiếp đến bệnh béo phì ở trẻ em, là một trong những yếu tố gây ra bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu ở trẻ nhỏ.

Thật không may, trong một thế giới đòi hỏi tốc độ ngày càng nhanh, cha mẹ rất dễ dàng dựa vào đồ ăn nhanh hoặc đồ ăn vặt để nuôi con. Việc tăng lượng calo từ thực phẩm không lành mạnh dẫn đến chất béo được lưu trữ xung quanh gan.

Chính vì vậy, nên dùng các bữa ăn nấu tại nhà hơn là đồ ăn nhanh và đồ ăn vặt mua sẵn. Khuyến khích con bạn ăn trái cây và rau quả tươi khi trẻ thấy đói bụng hơn là các loại bánh quy, thức ăn nhanh.

  • Khuyến khích trẻ năng động hơn

Tình trạng béo phì ở trẻ cũng có liên quan đến lối sống thụ động. Trẻ em hiện nay thường dành phần lớn thời gian trên màn hình tivi, điện thoại thông minh và trò chơi máy tính.

Giải pháp là cha mẹ phải hạn chế thời gian con ngồi trước màn hình ít hơn và tăng cường hoạt động thể chất cho con nhiều hơn. Khuyến khích con bạn tham gia ít nhất một hoạt động ngoại khóa định kỳ, chơi thể thao hay tập thể dục mỗi ngày. Bên cạnh đó, cũng nên thực hiện các hoạt động với tất cả thành viên gia đình như đi dạo, đi cắm trại, du lịch...

  • Xác định xem con bạn có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường hay không

Insulin đóng một vai trò lớn trong bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Hormone này rất quan trọng để điều chỉnh lượng đường trong máu. Khi các tế bào mỡ bị ức chế chuyển hóa do lượng đường trong máu cao, chúng sẽ ngừng phản ứng với insulin và tuyến tụy sẽ bị đòi hỏi tạo ra nhiều insulin hơn. Lượng insulin dư thừa sẽ khiến nhiều chất béo đi vào các tế bào gan, dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

Do đó, điều quan trọng là phải biết con bạn có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường hay không bằng cách kiểm tra lượng đường trong máu của trẻ định kỳ, nhất là trẻ có cơ địa béo phì hay cha mẹ mắc đái tháo đường.

  • Cẩn trọng trong vấn đề dùng thuốc

Ngoài chức năng tiêu hóa, gan còn là một cơ quan chuyển hóa các chất thu nhận vào trong cơ thể, kể cả thuốc. Một số thuốc có nguy cơ gây tổn thương tế nào gan nếu sử dụng quá liều.

Loại thuốc phổ biến nhất chính là paracetamol  với công dụng giảm đau, hạ sốt. Có mặt trong tủ thuốc thường dùng của mỗi gia đình, đây là thuốc đầu tay để cha mẹ hạ sốt cho con, nhất là trong các đợt trẻ bị nhiễm siêu vi.

Tuy nhiên, việc hạ sốt cho trẻ cần phối hợp thêm nhiều biện pháp khác để đạt hiệu quả như lau mát, cởi bỏ bớt quần áo, cho trẻ uống nhiều nước... Việc tự ý dùng paracetamol với liều quá cao có thể không đạt mục tiêu hạ sốt mà còn có nguy cơ gây viêm gan cấp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

  • Phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh gan ở trẻ em

Các bệnh gan ở trẻ em có thể được chẩn đoán khi cha mẹ phát hiện thấy con có các dấu hiệu và triệu chứng sau đây:

  • Vàng da
  • Vàng mắt
  • Ăn kém
  • Suy dinh dưỡng, chậm tăng cân
  • Đầy bụng
  • Buồn nôn, nôn ói
  • Đau tức hạ sườn phải
  • Xuất hiện các vết bầm tím trên da
  • Phân nhạt màu
  • Da ngứa
  • Lừ đừ, ngủ gà

Lúc này, cha mẹ cần đưa con đi khám sớm để được các bác sĩ can thiệp kịp thời. Các xét nghiệm máu đánh giá men gan và chức năng gan cùng hình ảnh học của gan qua siêu âm sẽ giúp xác định bệnh. Từ đó, tình trạng của trẻ có thể được cải thiện về bình thường hoặc bảo tồn gan một cách tối đa nếu trẻ bị bệnh gan mãn tính.

Tóm lại, đề phòng bệnh gan ở trẻ em chưa được quan tâm đúng mức trong khi đây cũng là một mục tiêu nuôi dưỡng trẻ khỏe mạnh. Cha mẹ cần có các biện pháp chăm sóc con phù hợp, bảo vệ lá gan cho trẻ, phòng tránh bệnh tật không chỉ cho riêng trẻ mà còn là sức khỏe cả gia đình.

Hiện nay, Phòng khám đa khoa Biển Việt đang cung cấp Gói khám sức khỏe tổng quát trẻ em dưới 18 tuổi, với các dịch vụ khám toàn diện, đánh giá các chức năng cơ bản gan thận, đường máu, tình trạng dinh dưỡng và viêm gan virus B... Trẻ sẽ được thực hiện các xét nghiệm sinh hóa giúp đo chức năng gan chính xác nhất, từ đó sớm phát hiện các vấn đề về gan của trẻ.

Đề phòng bệnh gan ở trẻ em
Hotline0812217575