Danh sách chuyên khoa

Danh sách dịch vụ

Hướng dẫn chăm sóc cho trẻ sau nạo VA, cắt amidan

Nạo VA và cắt amidan là những thủ thuật không quá phức tạp, nếu được chăm sóc hồi phục sau phẫu thuật nạo VA, cắt amidan tốt, trẻ có thể khỏi hoàn toàn mà không để lại biến chứng nào. Hãy cùng Biển Việt tìm hiểu bài viết dưới đây.

1. Quá trình cắt amidan và nạo VA ở trẻ

Nạo VA và cắt amidan thường được gây mê hoặc gây tê tại chỗ, kéo dài từ 30 - 60 phút. Trẻ được gây mê qua mặt nạ, đặt nội khí quản và theo dõi cẩn thận trong suốt quá trình phẫu thuật. Amidan và VA được cắt bỏ thông qua miệng nên sẽ không có bất kỳ vết rạch ở mặt hay ở cổ. Sau khi hoàn thành, trẻ tỉnh lại sau gây mê, nội khí quản sẽ được rút ra và trẻ tiếp tục được theo dõi ở phòng hậu phẫu cho đến khi trẻ đủ tỉnh táo để chuyển sang phòng bệnh thông thường hoặc có thể xuất viện về nhà.

Khi trẻ thoát khỏi tác dụng của thuốc gây mê có thể sẽ có các phản ứng khác nhau như: khóc lóc, cuống quýt, bối rối, khó chịu ở dạ dày hoặc nôn ói. Những phản ứng này khá bình thường và nhanh chóng sẽ qua đi khi thuốc mê hết tác dụng hoàn toàn. Khi trẻ tỉnh táo hoàn toàn, cha mẹ có thể đỡ trẻ đi vệ sinh. Một số trẻ có thể nôn chất dịch đặc có màu nâu nếu trẻ nuốt phải một ít máu trong và sau quá trình phẫu thuật cắt amidan và nạo VA, điều này là bình thường, cha mẹ có thể an tâm. Tuy nhiên nếu trẻ vẫn tiếp tục nôn ói thì cần báo ngay cho bác sĩ. Thông thường bác sĩ sẽ cho trẻ xuất viện khi trẻ uống được nước và tổng trạng bình thường trở lại (thường sau 1 - 2 giờ).

2. Chăm sóc trẻ sau cắt amidan và nạo VA

Nạo VA hiếm khi khiến trẻ đau đớn nhiều hoặc gặp phải tình trạng khó nuốt, trẻ nạo VA có thể đi học trở lại sau 1 - 3 ngày. Cắt amidan là phẫu thuật lớn hơn, do đó có thể gây đau đớn nhiều hơn, trẻ cần khoảng 2 tuần để cơ thể phục hồi hoàn toàn và trở lại bình thường.

2.1 Những ngày đầu sau cắt amidan và nạo VA

Trẻ vừa phẫu thuật nạo VA hoặc cắt amidan, trong ngày đầu tiên sau gây mê có thể chuếnh choáng đôi chút và buồn nôn hoặc nôn. Cha mẹ hãy cho trẻ uống các loại nước trong hoặc ăn thức ăn lỏng. Cho uống nhiều nước để phòng ngừa thiếu nước, hay xảy ra sau mổ, thiếu nước rất nguy hiểm và làm tăng cơn đau của trẻ. Sau khi trẻ uống đồ lỏng không còn nôn nữa, lúc này cha mẹ có thể chuyển sang thức ăn đặc và từ từ chuyển về chế độ ăn bình thường.

2.2 Quá trình liền thương sau cắt amidan và nạo VA

Thông thường, quá trình liền thương sẽ diễn ra trong vòng 10 ngày sau thủ thuật, đôi khi có thể kéo dài hơn do nhiễm trùng. Vị trí amidan bị cắt bỏ sẽ rất kỳ lạ trong vòng 7 - 10 ngày đầu, bề mặt vết thương nhìn rất tối. Sau vài ngày, vị trí này sẽ chuyển sang màu vàng hay nâu. Sau 2 tuần, lớp vảy che phủ sẽ tự bong ra. Đây là thời điểm này chế độ ăn của trẻ có thể được phục hồi như lúc trước.

Trẻ thực hiện nạo VA sẽ không bị đau khi nuốt thức ăn, trái lại trẻ cắt amidan sẽ đau ở họng hoặc đau khi nuốt. Phụ huynh nên khuyến khích trẻ thường xuyên nhấp từng hớp nước nhỏ, dù động tác này có thể gây đau cho trẻ. Cảm giác khó chịu hoặc đau ở họng sẽ diễn ra trong vài ngày đầu, đau nhất vào khoảng ngày thứ 5 sau khi cắt amidan, nước bọt lúc này có thể lẫn một chút máu. Sau đó, cảm giác khó chịu sẽ giảm dần rồi có thể tăng trở lại vào ngày thứ 7 - 9 sau mổ, do một phần vảy che phủ ở vị trí cắt amidan dần dần bong ra. Sau tất cả, triệu chứng đau của trẻ sẽ giảm đáng kể.

Một số trẻ có thể xuất hiện chứng ngủ ngáy sau phẫu thuật. Hiện tượng này có thể là do tình trạng phù nề của vết thương và thường tự mất đi trong vòng 1 tuần đầu. Thêm vào đó, trẻ có thể bị biến đổi giọng tạm thời, do kích thước và hình dạng của khoang miệng bị thay đổi sau phẫu thuật. Một vài trẻ sau mổ gặp tình trạng giọng mũi, điều này có thể tồn tại vài tuần tới vài tháng, sau đó mọi chuyện sẽ trở lại bình thường sau một thời gian, cha mẹ đừng nên quá lo lắng.

2.3 Các biện pháp giảm đau

Trẻ nạo VA thường cảm thấy đau hoặc cứng ở cổ do tư thế nằm khi mổ, chứng đau này thường mất đi sau vài ngày. Cha mẹ có thể chườm ấm, dùng thuốc giảm đau và hướng dẫn trẻ thực hiện một số bài tập xoay vùng cổ thật nhẹ nhàng có thể giúp cải thiện tình hình cứng ở cổ.

Trẻ chảy nước dãi, than đau ở miệng, cảm thấy đau hay khó chịu ở vùng tai... những điều này là bình thường sau phẫu thuật, thường là sự lan toả của cơn đau từ vùng họng đang liền thương chứ không phải biểu hiện của nhiễm trùng tai. Có thể cho trẻ nhai kẹo cao su hoặc ăn các thực phẩm phải nhai kỹ trước khi nuốt sẽ giúp bé giảm bớt triệu chứng đau này.

Dùng các chế phẩm paracetamol theo chỉ định. Chú ý không nên cho trẻ uống thuốc lúc đói vì có thể làm tăng nguy cơ bị nôn sau phẫu thuật, không dùng Ibuprofen trong vòng 2 tuần đầu sau mổ vì thuốc này sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu. Cha mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước, đánh lạc hướng trẻ bằng các trò chơi hay các hoạt động khác mỗi khi trẻ than đau. Trong vòng 2 tuần đầu sau khi cắt amidan, tránh cho trẻ ăn thức ăn cứng có thể làm xây xước vùng phẫu thuật như: bánh quy, bánh mỳ nướng giòn, pizza, khoai tây chiên..., sữa và các chế phẩm sữa có thể làm tăng tình trạng ứ đọng ở khu vực tai mũi họng.

2.4 Trẻ bị sốt sau cắt amidan và nạo VA

Trẻ có thể sốt nhẹ hoặc vừa dưới 38,5 độ C và sẽ tự mất đi. Trường hợp trẻ có chảy mũi nước trong, không phải mũi vàng và ăn uống bình thường thì không đáng lo ngại. Sốt nhẹ có thể là do tình trạng thiếu nước nhẹ hoặc quá trình liền thương ở vùng họng.

2.5 Hơi thở của trẻ có mùi

Hơi thở của trẻ có thể có mùi rất khó chịu, thường gặp sau phẫu thuật và có thể kéo dài vài tuần. Đây là kết quả của quá trình liền thương tại vùng phẫu thuật, họng tiết ra nhiều đờm dãi, trẻ miễn cưỡng nuốt dẫn đến chất tiết tích tụ lại nhiều, điều này cũng không có gì bất thường và không đáng lo ngại.

Cha mẹ cần giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ đúng cách, dùng nước muối sinh lý làm sạch mũi hoặc cho trẻ nhai kẹo cao su, ngậm kẹo cứng giúp cải thiện tình hình. Uống nhiều nước cũng có thể giúp giảm bớt triệu chứng hơi thở có mùi. Các đồ uống lỏng và mát thường khiến trẻ yêu thích, tránh đồ uống chua (nước cam, nước chanh) vì chúng khiến trẻ đau đớn và làm cho hơi thở có mùi nặng hơn.

2.6 Chảy máu sau cắt amidan và nạo VA

Chảy máu rất hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra sau phậu thuật cắt amindan và nạo VA (3% trẻ cắt amidan sẽ gặp phải). Đa số trường hợp chảy máu với lượng không nhiều nhưng đôi khi vẫn có tai biến trầm trọng hoặc đe dọa tính mạng có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào trong vòng 14 ngày đầu.

Nguy cơ cao nhất trong những giờ đầu sau phẫu thuật và giữa ngày thứ 4 và ngày thứ 8 sau khi mổ. Trong ngày 4 - 8, cha mẹ có thể nhìn thấy một lớp vảy trắng hoặc vàng nhạt ở vùng amidan đã bị cắt, khi bong ra có thể gây chảy máu đôi chút, trẻ cũng cảm thấy khó chịu ở vùng này.

Chảy máu thường không đáng kể và thường sẽ tự cầm, nếu máu chảy nhiều hoặc máu không tự cầm, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

2.7 Chăm sóc răng miệng sau cắt amidan và nạo VA

Cha mẹ có thể cho trẻ súc miệng và đánh răng nhưng không được sục họng. Dặn trẻ không dùng tay để che miệng khi hắt hơi, không xì mũi trong ít nhất 1 tuần sau mổ, chỉ dùng khăn chấm nước mũi khi bị chảy mũi. Sử dụng máy phun sương để làm ẩm không khí, giúp trẻ thở dễ dàng hơn, đặt máy cạnh giường của trẻ.

2.8 Hoạt động sinh hoạt sau cắt amidan và nạo VA

Có thể tắm rửa bình thường và nghỉ ngơi hoàn toàn trong vài ngày đầu sau phẫu thuật, sau đó tăng dần các hoạt động thể chất. Tránh hoạt động mạnh trong 2 tuần đầu sau mổ vì trẻ có thể bị chảy máu nhẹ qua đường mũi nếu hoạt động mạnh quá sớm. Trong thời gian này, trẻ dễ bị cảm lạnh hay nhiễm trùng, cần cách ly trẻ với những người bị ốm trong gia đình và hạn chế khách đến thăm. Tránh đến nơi đông người để đề phòng lây nhiễm bệnh.

3. Trường hợp cần liên hệ bác sĩ

Thông thường, sau khi xuất viện trẻ không cần khám lại. Tuy nhiên, có một số trường hợp lưu ý cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ:

  • Sốt trên 39 độ C, không giảm khi dùng thuốc Paracetamol.
  • Buồn nôn hoặc nôn rất nhiều.
  • Cơn đau nặng không đáp ứng với điều trị trong vòng 48 đến 72 giờ.
  • Không uống được nước, bỏ ăn hoàn toàn.
  • Chảy máu trầm trọng (máu có thể chảy từ miệng hoặc mũi hoặc kể cả nôn ra máu).
  • Trẻ bị mất giọng trong suốt 24 giờ.
  • Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng giúp trẻ hồi phục tốt sau cắt amidan và nạo VA. Cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
  • Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
  • Hãy thường xuyên truy cập website https://phongkhambienviet.com/  và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
Hướng dẫn chăm sóc cho trẻ sau nạo VA, cắt amidan
Hotline0812217575
icon chat