Danh sách chuyên khoa

Danh sách dịch vụ

2019-nCoV lây nhiễm qua đường giọt bắn hay không khí?

Trên trang của CDC có đưa ra định nghĩa và giải thích chi tiết cho các thuật ngữ: giọt bắn (droplet), không khí (airborne) và hạt chất lỏng siêu nhỏ (aerosol) nhằm phân biệt về hình thức lây nhiễm của virus. Virus gây bệnh đầu nhỏ và virus cúm được đưa ra làm ví dụ minh họa cho các định nghĩa này. Có thể hiểu đơn giản như sau: Ebola là một dạng virus có khả năng lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể bao gồm máu, tinh trùng, dịch tiêu chảy, nước tiểu, mồ hôi, và cả sữa mẹ. Trong khi đó, cúm hay sởi có khả năng lây nhiễm thông qua các hạt chất lỏng siêu nhỏ (aerosol) phát tán lơ lửng trong không khí (nguồn CDC).

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ năm 2018 đã chứng minh, các hạt chất lỏng siêu nhỏ này không nhất thiết phải được tạo ra do hành động ho, hắt xì hơi, mà có thể tồn tại trực tiếp ngay trong hơi thở của mỗi chúng ta, và có khả năng phát tán virus cúm ra môi trường xung quanh (Fabian 2008; Yan 2018).

1. Vậy giọt bắn và hạt chất lỏng siêu nhỏ là gì?

Giọt bắn được hiểu là các giọt chất lỏng kích thước nhỏ được tạo ra từ các hoạt động vật lý của con người, trong đó có sự tham gia của quá trình tiết dịch gồm chảy máu, đi tiểu, đi ngoài, nôn mửa, ho, hắt xì hơi,... hoặc được tạo ra trong tự nhiên như hiện tượng nước mưa bắt lên bề mặt kính, vòi phun nước phun vào bề mặt tạo các giọt bắn. Giọt bắn thường có kích thước lớn từ 10 – 100 um, do vậy có xu hướng rơi nhanh xuống mặt đất hoặc bề mặt các đồ vật dưới tác dụng của trọng lực. Trong khi đó, các giọt nhỏ hơn 10 um hay còn gọi là giọt dịch siêu nhỏ (aerosol) có thể lơ lửng và di chuyển trong không trung, do vậy, có khả năng phát tán tác nhân gây bệnh vào không khí. (Fabian 2008; Gralton 2011; Stilianakis 2010).

Giọt bắn có kích thước nhỏ

2. Lây nhiễm qua đường giọt bắn và qua đường không khí khác nhau như thế nào?

Lây nhiễm qua đường giọt bắn xảy ra khi người lành tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nhiễm thông qua dạng giọt bắn dính bám trên bề mặt đồ vật, hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người bệnh như máu, dịch nhầy đường hô hấp, phân, nước tiểu. Hình thức lây nhiễm này có thể xảy ra với hầu hết các bệnh như cúm, sởi, quai bị, thủy đậu, bệnh đầu nhỏ do virus Ebola. Riêng với virus HIV gây bệnh AIDS, virus chỉ có thể truyền từ người bệnh sang người lành bằng con đường truyền máu và đường tình dục, hoặc thông qua tiếp xúc máu với vết thương hở trên tay.

Trong khi đó, lây nhiễm qua đường không khí hay qua các giọt dịch siêu nhỏ lơ lửng trong không khí (aerosol) xảy ra khi người lành hít phải các giọt dịch siêu nhỏ chứa virus hoặc vi khuẩn phát tán lơ lửng trong không trung. Hình thức lây nhiễm này chỉ có thể xảy ra ở các bệnh như cúm mùa, cúm H1N1, cúm H5N1 và có thể xảy ra ở virus nCoV gây viêm phổi cấp Vũ Hán.

3. Virus 2019-nCoV lây nhiễm theo đường nào?

Viêm phổi cấp Vũ Hán đã được xác định nguyên nhân là do virus họ corona được đặt tên là 2019-nCoV. Virus này thuộc họ virus lớn corona, có vật liệu di truyền bản chất là RNA, có xu hướng lây nhiễm qua đường giọt bắn. Chưa có bằng chứng cụ thể cho việc 2019-nCoV có khả năng lây nhiễm qua đường không khí, tuy nhiên, tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, không loại trừ khả năng làm tăng mức độ phát tán dịch bệnh thông qua việc hình thành giọt dịch siêu nhỏ, như đã xảy ra với dịch SARS và MERS, cùng họ corona trong quá khứ (Khuyến cáo của WHO về việc ngăn chặn và kiểm soát dịch viêm phổi cấp Vũ Hán ngày 25/01/2020).

Việc áp dụng các biện pháp thông khí, làm sạch môi trường có tác dụng làm suy yếu dịch bệnh và có vai trò trong việc ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Một nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm nhà khoa học tại Imperial College của Anh và Đại học bang Pennsylvania của Hoa Kỳ đã chứng minh được rằng, việc thông khí có tác dụng làm giảm thiểu sự tiến triển của dịch bệnh tương đương với việc thực hiện tiêm vắc-xin cho một nửa nhóm mẫu nghiên cứu (Smieszek 2019).

Nguồn: CDC, WHO, ECDC, và các tài liệu chuyên ngành khác.

2019-nCoV lây nhiễm qua đường giọt bắn hay không khí?
Hotline0812217575