Danh sách chuyên khoa

Danh sách dịch vụ

Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu bị đái tháo đường thai kỳ

Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng tăng đường huyết thời kỳ mang thai. Thường gặp từ tuần thứ 24-28 của thời kỳ mang thai. Trong thời kỳ mang thai, cơ thể người mẹ có sự thay đổi về nội tiết, tăng các hóc môn làm tăng đường máu, từ đó xảy ra tình trạng kháng Insulin và gây ra đái tháo đường.

1. Đái tháo đường thai kỳ là gì ?

Tình trạng tăng đường huyết lúc mang thai có thể gây ra những hậu quả cho mẹ, thai nhi ở các mức độ khác nhau. Khi đi khám thai mẹ được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ khi có 1 trong 3 chỉ số vượt quá ngưỡng sau nghiệm pháp uống 75 gram đường là:

Đường máu đói ≥ 5,1 mmol/l

Đường máu 1 giờ sau uống nước đường ≥ 10,0 mmol/l.

Đường máu 2 giờ sau uống nước đường ≥ 8,5 mmol/l.

2. Bà bầu bị tiểu đường thai kỳ nên có chế độ dinh dưỡng thế nào?

Trong các bữa ăn cần có carbohydrate các loại: 33-40%; Lipid: 35-40%; Protein: 20%. Năng lượng nên được phân phối đều, nên chia nhỏ thành; 3 bữa chính và 3 bữa phụ.

Bữa chính không nên ăn quá no sẽ làm tăng đường máu. Và không được bỏ bữa vì nhu cầu dinh dưỡng của thai phụ tăng lên để cung cấp cho thai nhi.

Bữa ăn chính chia làm 4 phần:

1/4 là chất đạm bao gồm thịt nạc, trứng, cá, phô mai, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt;

1/4 là tinh bột như cơm, ngũ cốc và rau có chứa tinh bột: khoai tây, ngô, đậu Hà Lan;

1/2 là thực phẩm không chứa tinh bột như rau xanh, cà chua, bí, cải bắp, súp lơ.

Bữa sáng: Bữa sáng nên có thành phần là tinh bột và đạm nhưng ít hơn bữa trưa và tối.

Ví dụ: 1 bát nhỏ phở bò, bún bò hoặc 1 bát cháo yến mạch thịt băm hoặc 1 lát bánh mỳ kèm 1 quả trứng ốp lết hoặc một đĩa xa lát mỳ ống nhiều rau.

Bữa trưa và bữa tối: Phần tinh bột khoảng 1 bát cơm (gạo lứt tốt hơn gạo trắng) hoặc 2 lát bánh mỳ;

Phần chất đạm khoảng 1 lạng thịt nạc, cá, thịt gà (bỏ phần da) hoặc 1 quả trứng hoặc 200 gram đậu;

Phần rau xanh khoảng 350 gram lá rau xanh như rau muống, cải, củ thập cẩm, súp lơ.

Nên ăn rau trước để giảm hấp thu đường, sau đó ăn tinh bột và chất đạm.

Bữa ăn phụ ăn sau bữa chính 2 giờ: ăn hoa quả có hàm lượng đường thấp như dưa chuột, ổi, bơ, bưởi, dâu tây, táo, lê.

Ví dụ: khoảng 2-3 múi bưởi, 1/2 quả táo, 1/2 quả ổi, 1/2 quả cam, quýt, 200 ml sữa tươi không đường/ngày hoặc 1 cốc sữa chua không đường/ngày (Sữa là 1 dạng carbohydrat lỏng, uống nhiều 1 lúc có thể làm tăng đường máu do đó có thể chia nhỏ).

Bên cạnh đó, bà bầu bị tiểu đường thai kỳ cần thường xuyên kiểm tra cân nặng, tăng cân vừa phải, không được để giảm cân trong quá trình thực hiện chế độ ăn; Uống vitamin, can xi, acid forlic, sắt theo chỉ định của bác sỹ ; Tập thể dục ít nhất 30phút mỗi ngày để cải thiện tình trạng kháng Insulin theo chỉ định bác sỹ sản khoa.

Thai phụ đái tháo đường thai kỳ nếu điều chỉnh chế độ ăn trong 2 tuần mà đường máu không đạt mục tiêu điều trị sẽ được khám bởi Bác sỹ nội tiết để điều chỉnh chế độ ăn hoặc dùng thuốc.

Thai phụ đái tháo đường thai kỳ cần có chế độ ăn uống hợp lý

3. Lưu ý chế độ ăn uống cho bà bầu để tránh biến chứng nguy hiểm

Để có một thai kỳ khỏe mạnh ngoài việc thăm khám thai thường xuyên thì chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu cũng rất quan trọng.

Trong trường hợp mẹ bị tiểu đường thai kỳ thì Bác sỹ sẽ khám và tư vấn chế độ ăn cho người tiểu đường thai kỳ.

Không nên tự ăn kiêng để giảm cân trong thời kỳ mang thai bởi vì có thể không đủ chất dinh dưỡng cho mẹ và em bé, và có thể làm tăng nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển, thai lưu ...Các thực phẩm cần tránh ăn khi bị tiểu đường thai kỳ :

Rượu, bia, đồ uống có gas, có nhiều đường

Quả có hàm lượng đường cao: Dưa hấu, nhãn,mít...

Bánh ngọt, kẹo, nước ép trái cây có thêm đường, kem.

Không nên lạm dụng nước dừa, nước mía

4. Ảnh hưởng đái tháo đường đối với thai kỳ

Đối với mẹ:

Mẹ có thể bị đái tháo đường sau sinh

Mẹ tăng cân trên 20kg, đa số thai to, đa ối...

Mẹ dễ bị nhiễm trùng, băng huyết

Mẹ có thể bị sảy thai, hoặc thai chết lưu không rõ lý do.

Đối với con:

Thai có thể dị tật bẩm sinh… Tăng tỷ lệ tử vong thai nhi

Thai to dễ sang chấn khi sinh hoặc mổ.

Suy hô hấp, hạ đường huyết, nguy cơ đái tháo đường di truyền.

5. Kiểm tra đường máu hằng ngày

Trong việc điều chỉnh chế độ ăn uống của mẹ bị đái tháo đường thai kỳ đạt được mục tiêu điều trị, thể hiện ở kết quả đo đường máu.

Vì vậy mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ sẽ phải đo đường máu, Mục tiêu đường máu cho phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ cần đạt là:

Đường máu lúc đói < 5,3 mmol/l

Đường máu 1 giờ sau ăn < 7,8 mmol/l

Đường máu 2 giờ sau ăn < 6,7 mmol/l

Hãy ghi lại chế độ ăn và kết quả đường máu hằng ngày, và đến khám bác sỹ chuyên khoa Sản và chuyên khoa nội tiết để được tư vấn giúp đỡ nếu không đạt mục tiêu nhé.

Kết luận: Việc lựa chọn các thức ăn cho mẹ bị đái tháo đường thai kỳ là đặc biệt quan trọng, vì vậy mẹ có thể kiểm soát bệnh tiểu đường mà chưa cần dùng thuốc bằng cách ăn uống theo đúng chế độ và tập thể dục thường xuyên theo hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa Sản.

Sử dụng dịch vụ siêu âm thai trọn gói giúp mẹ bầu an tâm hơn trong những ngày “lâm bồn”

Phòng khám đa khoa Biển Việt đang có Chương trình khám thai siêu âm trọn gói giúp mẹ bầu đến khám thai, làm các xét nghiệm cơ bản và các xét nghiệm sàng lọc trước sinh, siêu âm tầm soát dị tật thai nhi, xét nghiệm tầm soát tiểu đường thai kỳ từ 24- 28 tuần thai. Mẹ bầu đăng ký siêu âm trọn gói được siêu âm, kiểm tra sức khỏe mẹ và bé trước khi sinh bởi các bác sỹ chuyên khoa Sản tận tâm, có trình độ chuyên môn tốt, trang thiết bị máy siêu âm, máy xét nghiệm hiện đại một cách đầy đủ, giúp cuộc vượt cạn của các mẹ bầu được an toàn.

Địa chỉ phòng khám: Số 18, Nhà Vườn 1, tổng Cục 5, Bộ Công An, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Điện thoại: 02435420311/ 0812217575/ 0912075641

Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu bị đái tháo đường thai kỳ
Hotline0812217575