Trước đây, thuốc ARV được cấp phát miễn phí nhưng từ ngày 8/3/2019, phải có thẻ BHYT, bệnh nhân mới được phát thuốc. Điều này khiến nhiều người bệnh lo lắng do sợ lộ danh tính và kỳ thị của cộng đồng.
Thuốc kháng vi rút (ARV) là giải pháp hiệu quả trong việc bảo vệ sức khỏe của người nhiễm HIV và bảo vệ cộng đồng khỏi sự lây lan của bệnh. Điều trị bằng ARV sớm có thể làm giảm tỷ lệ bệnh tật và giảm tử vong ở người nhiễm HIV, giảm mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và giảm nguy cơ chuyển sang giai đoạn AIDS. Người điều trị bằng ARV liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ có thể phục hồi sức khoẻ, phục hồi khả năng lao động và hoàn toàn có 1 cuộc sống bình thường.
Từ trước đến nay, thuốc ARV tại Việt Nam được cung cấp miễn phí thông qua nguồn tài trợ quốc tế: CDC, Global fund, PEPFAR,... Nhưng khi nền kinh tế Việt Nam ngày một tăng trưởng và phát triển, các cơ quan viện trợ quốc tế đã chuyển phân bổ nguồn lực hỗ trợ sang các nước có nguồn lực hạn chế và tình hình dịch HIV nghiêm trọng hơn.
Vậy nên, Chính phủ đã có chủ trương bảo hiểm y tế sẽ chi trả chi phí thuốc ARV cho người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế từ ngày 08/03/2019 trên địa bàn cả nước.
Nhiều cơ chế chính sách đã được đưa ra để tạo hành lang pháp lý cho việc giúp bệnh nhân HIV được hưởng lợi từ BHYT. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2188/QĐ-TTg về thanh toán thuốc ARV và hỗ trợ người sử dụng thuốc ARV từ nguồn BHYT. Sau một thời gian chuẩn bị, đến nay, bắt đầu từ 8/3/2019, BHYT sẽ mở rộng chi trả cho cả thuốc ARV cho các bệnh nhân có thẻ BHYT.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, năm 2019 cũng là năm đầu tiên sẽ triển khai khám chữa bệnh BHYT ở 188 cơ sở, dự kiến đến hết năm 2019 sẽ có 48.000 bệnh nhân nhận thuốc ARV từ BHYT.
(nguồn vtv.vn)
Tại sao phải tuân thủ thuốc ARV trong điều trị HIV
Việc tuân thủ điều trị ARV là vô cùng quan trọng bởi vì:
- Vi rút HIV nhân lên nhanh chóng khi không có thuốc;
- Khi tải lượng vi rút tăng lên thì xuất hiện càng nhiều đột biến gây đề kháng thuốc;
- Một khi xuất hiện đề kháng thì thuốc đó sẽ không còn hiệu quả nữa.
Hiện nay rất nhiều trường hợp bệnh nhân điều trị HIV bằng ARV không có hiệu quả mà tình trạng ngày càng nặng, nguy hiểm và khó điều trị hơn. Lý do vì sao?
Theo khảo sát chúng tôi nhận thấy, một phần nguyên nhân là do chưa được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn cụ thể về tình trạng bệnh, lựa chọn phác đồ hợp lý, chưa được tư vấn về vai trò của tuân thủ thuốc, cách dùng thuốc, chế độ sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng.
Nhiều bệnh nhân không tuân thủ uống thuốc đúng liều, đúng giờ, đúng cách theo chỉ định của bác sĩ (thường xuyên quên thuốc, uống sai thời gian,...). Bên cạnh đó, còn nhiều bệnh nhân sử dụng ARV không thường xuyên, bỏ giữa chừng mà không có bác sĩ chuyên khoa khám, theo dõi (bỏ thuốc, bỏ 1 thành phần thuốc,...) Những nguyên nhân sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc ARV sớm.
Nhiều bệnh nhân tự ý sử dụng các loại thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ (dùng theo bệnh nhân khác, tự tìm mua trên internet,...). Bản thân các thuốc ARV là thuốc có quy định quản lý đặc biệt và nhiều tác dụng phụ, nhiều chống chỉ định cần cân nhắc khi sử dụng mà phải do bác sĩ chuyên khoa chỉ định sau khi thăm khám tổng quát, làm các xét nghiệm máu và quá trình theo dõi diễn biến của bệnh.
Khi bắt đầu điều trị thuốc ARV, bệnh nhận có thể gặp phải những tác dụng phụ cấp tính gồm:
- Mệt mỏi,
- Buồn nôn, nôn ói,
- Đau bụng, tiêu chảy,
- Đau đầu, chóng mặt,
- Sốt,
- Đau mỏi cơ,
- Mất ngủ,
- Phát ban, thậm chí là các phản ứng dị ứng nặng như hội chứng steven Johnson, hội chứng Lyell.
Khi sử dụng thuốc kéo dài có thể có các tác dụng phụ khác cần theo dõi và xử trí gồm:
- Bệnh thận, bao gồm suy thận;
- Tổn thương gan (nhiễm độc gan);
- Bệnh tim;
- Tăng lượng mỡ trong máu (rối loạn chuyển hoá lipid máu);
- Rối loạn phân bố mỡ;
- Loãng xương;
- Tác tác dụng lên hệ thần kinh và tâm thần: mất ngủ, chóng mặt, dấu hiệu trầm cảm và những ý định tự tử.
- Ngoài ra có thể gặp những tác dụng phụ khác tuỳ theo loại thuốc: Thiếu máu do Zidovudine, phì đại tuyến vú do Efavirenz,...
Do thuốc ARV có nhiều tác dụng phụ xảy ra trong thời gian đầu mới uống, cũng như khi sử dụng kéo dài nên người bệnh cần phải được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, theo dõi, hướng dẫn sử dụng đúng liều, đúng cách.
Điều lưu ý với bệnh nhân HIV đang uống thuốc ARV là nếu có bất kì tác dụng phụ nào, hãy nhớ không được tự ý giảm liều thuốc, bỏ thuốc hoặc ngưng thuốc trừ khi có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.