Giải đáp tất tần tật những vấn đề liên quan đến HIV/AIDS
1. Xin bác sĩ cho biết những biện pháp cần thiết để phòng tránh lây nhiễm HIV khi chăm sóc người bệnh mang virus này?
Trả lời:
HIV chỉ lây qua ba đường như đã nói ở trên. Việc chăm sóc người nhiễm HIV chúng ta chỉ cần đeo găng tay và khẩu trang nếu họ có vết thương hở (lở loét). Thực ra, HIV không hề dễ lây như người ta tưởng tượng, nếu để lây được từ người này qua người khác thì phải đủ 3 yếu tố sau:
- Nồng độ vi rút HIV (đủ lượng).
- Môi trường sống (nhiệt độ càng cao thì vi rút HIV càng nhanh chết).
- Đường vào (hai người cùng phải có vết thương và chạm vào nhau, có nhiều dịch đổ vào những vết thương ấy thì mới đủ khả năng lây truyền sang cho nhau).
Việc chăm sóc người nhiễm HIV cũng giống như chăm sóc những người bình thường khác.
2. Sữa mẹ có truyền HIV sang con không? Bao nhiêu phần trăm bé sơ sinh bị nhiễm từ người mẹ mang virus HIV ạ?
Trả lời:
Trong sữa mẹ có vi rút HIV nên tốt nhất là không bú sữa mẹ. Tuy nhiên, phải cân nhắc có nên cho bé bú sữa mẹ hay không tùy thuộc nhiều yếu tố, nếu không có sữa thay thế thì phải chấp nhận bú sữa mẹ, nhưng cần tư vấn kỹ cho người mẹ cũng như cách chăm sóc núm vú của người mẹ nếu bị viêm nhiễm.
3. Hôn nhau cũng sẽ lây HIV đúng không ạ? Nhỡ ta bị chảy máu răng hay xước lợi? Thế nếu ăn cơm hàng bình dân mà đũa không sạch, rồi nhỡ người ta bị nhiệt ở mồm thì sẽ lây lung tung cả phải không? Em muốn hỏi nếu hôn người có HIV thì có lây không? Trong nước bọt có virus không?
Trả lời:
Chào bạn: Hôn sâu, hôn lâu, hôn sơ sơ... sẽ không lây HIV, miễn đừng hôn nhưng nơi có HIV (máu, dịch tiết sinh dục).
4. Thưa bác sĩ, có phải người nhiễm HIV ở giai đoạn cuối sẽ ho rất nhiều không. Khi ho có phải là cơ hội cho virus lây truyền cho người xung quanh không?
Trả lời:
Người nhiễm HIV giai đoạn cuối được gọi là AIDS sẽ biểu hiện nhiều triệu chứng của nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội trong đó có ho. Khi ho, có thể lây bệnh lao cho những người xung quanh nếu người nhiễm HIV bị mắc lao, còn vi rút HIV không lây qua đường hô hấp.
5. Bố của cháu làm ở bệnh viện trong phòng cấp cứu. Cháu lo cho bố lắm, máu của người HIV bắn vào mắt là ta có thể bị lây đúng không ạ? Giả sử trong trường hợp này nên xử trí ra sao?
Trả lời:
Cháu lo hơi xa vì bố của cháu làm trong khoa cấp cứu của một bệnh viện thì ít nhiều bố cháu sẽ biết cách dự phòng lây nhiễm HIV khi làm việc. Máu của người nhiễm HIV khi văng vào mắt, nếu chúng ta sử lý đúng cách, uống thuốc dự phòng đúng thì sẽ không bị nhiễm HIV.
6. Cháu có người bạn bị kim tiêm trên đường, trong một con hẹm đâm vào khi đi đường hôm. Đáng nói, bạn đó không sát trùng ngay sau khi bị thương, sáng hôm sau mới nghĩ đến. Hiện giờ bạn đó rất lo lắng và không thể làm việc được. Xin ban tư vấn cho cháu hỏi với tình trạng như bạn cháu thì khả năng bị lây nhiễm HIV có cao không. Từ trước đến giờ liệu đã có trường hợp nào tương tự chưa? Cháu xin cảm ơn bác sĩ nhiều?
Trả lời:
Khi đạp kim, bạn cần xử lý vết thương ngay và đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn dự phòng lây nhiễm HIV. Bạn nên nhớ rằng, dự phòng bằng thuốc càng sớm thì hiệu quả càng cao, đặc biệt trong 6 giờ đầu, nếu trên 72 giờ việc dự phòng bằng thuốc sẽ kém hiệu quả.
7. Nếu người mẹ bị nhiễm HIV thì còn có bị lây nhiễm không? Nếu không thì người mẹ cần phải làm gì? Còn có thì nên làm sao cho tốt nhất? Xin BS cho biết, cảm ơn BS.
Trả lời:
HIV có thể truyền từ mẹ sang con, nên nếu người mẹ bị nhiễm HIV thì có thể lây truyền sang con. Tuy nhiên, hiện nay có chương trình phòng ngừa lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng cách dùng thuốc ARV đúng cách, bạn cần đến trung tâm phòng chống HIV/AIDS tại địa phương nơi bạn đang sinh sống hoặc có thể qua PKĐK Biển Việt để được hỗ từ các bác sĩ.
8. HIV chuyển sang giai đoạn AIDS trong thời gian khoảng bao lâu?
Trả lời:
Trung bình từ 2-10 năm người bị nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS. Đặc biệt những người sử dụng ma túy thường diễn tiến sang AIDS nhanh hơn những bệnh nhân nhiễm HIV do lây từ các đường khác.
9. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp: Sự liên quan giữa bệnh HIV và bệnh lao là gì?
Trả lời:
Đối với người không bị nhiễm HIV, khi bị suy giảm miễn dịch như: làm việc quá sức, suy dinh dưỡng... dễ bị mắc bệnh lao. Người bị nhiễm HIV, là một loại vi rút tấn công trực tiếp vào hệ thống miễn dịch, làm hệ thống này nhanh chóng bị suy yếu, làm cho bệnh nhân dễ bị mắc lao hơn. Do đó, những bệnh nhân nhiễm HIV thường xuyên phải tầm soát lao.
10. HIV có trong nước bọt vậy ăn uống có bị lây không?
Trả lời:
Trong nước bọt hầu như không có vi rút HIV hoặc có rất ít (< 1 vi rút/ml) cho nên ăn uống chung không bị lây nhiễm HIV.
11. Tôi đọc 1 số tài liệu nói về HIV thấy nói đến khái niệm "phơi nhiễm". Mong ban tư vấn giải thích về khái niệm này và cho biết trong trường hợp nào thì được coi là đã bị "phơi nhiễm" và cách xử trí. Xin cảm ơn!
Trả lời:
Nói một cách dễ hiểu phơi nhiễm là trường hợp mới bị nhiễm. Vậy chúng ta có thể phơi nhiễm với bất kỳ mầm bệnh nào và khi mới bị phơi nhiễm, nếu chúng ta tiến hành điều trị thì khả năng loại trừ mầm bệnh ra ngoài cơ thể có khả năng đạt được hiệu quả cao.
Vậy trong trường hợp phơi nhiễm HIV, có thể xảy ra trong các trường hợp bị các vật sắc nhọn đâm phải (kim tiêm), thường gặp ở các nhân viên y tế do tai nạn rủi ro nghề nghiệp. Trong trường hợp, người bị phơi nhiễm cần nhanh chóng báo cáo cho lãnh đạo đơn vị, tiến hành các quy trình và thủ tục để xác định phơi nhiễm HIV.
12. Xin cho biết khả năng tồn tại của HIV bên ngoài cơ thể người như thế nào? Làm thế nào để xử lý an toàn đối với những vật dụng có vi rút HIV?
Trả lời:
Khả năng tồn tại của HIV bên ngoài cơ thể có thể từ vài giờ cho đến vài ngày tùy thuộc vào môi trường sống của HIV. Do đó, việc xử lý để tránh lây nhiễm là cần thiết:
- Đối với những dụng cụ có khả năng dùng 1 lần thì chỉ dùng một lần rồi vứt bỏ (dao cạo râu, kim tiêm..).
- Đối với những dụng cụ dùng nhiều lần thì chỉ được dùng riêng.
- Đối với máu và dịch tiết từ các vết thương chảy ra thì phải được khử trùng, tẩy uế bằng các dung dịch sát trùng.
13. Xin chào các bác sĩ, em và chồng em rất khát khao có con, chồng em có H còn em thì không. Em muốn sinh con bằng cách thụ tinh ống nghiệm hoặc bơm tinh trùng, em không biết bệnh viện nào nhận vì em nghe nhiều người nói bệnh viện không nhận chồng nhiễm H. Em đã uống thuốc phơi nhiễm theo trung tâm chỉ và cách quan hệ tự nhiên, sau 03 tháng thất bại, em không có thai, và giờ do tác dụng phụ của thuốc phơi nhiễm làm sức khỏe em yếu đi, em đã ngưng. Em rất mong các BS tư vấn và hướng dẫn cho em. Thành thật cám ơn BS.
Trả lời:
Về nguyên tắc khi nhiễm HIV thì khi quan hệ tình dục phải dự phòng lây nhiễm HIV bằng cách mang bao cao su. Nhu cầu khát khao có con của vợ chồng em là rất chính đáng. Tuy nhiên, hiện nay không có quy định nào hướng dẫn về vấn đề có con đối với người nhiễm HIV cũng như là thụ tinh trong ống nghiệm hoặc bơm tinh trùng.
14. Xin cho biết việc xét nghiệm HIV trên cơ sở tự nguyện hay bắt buộc? Khi tôi vào bệnh viện để khám và điều trị, bệnh viện đã yêu cầu tôi làm một số xét nghiệm trong đó có xét nghiệm HIV. Xin hỏi, việc yêu cầu xét nghiệm HIV đối với bệnh nhân khi khám và điều trị như vậy có đúng không?
Trả lời:
Theo luật phòng chống HIV/AIDS việc xét nghiệm HIV có cả tự nguyện lẫn bắt buộc. Xét nghiệm bắt buộc trong trường hợp truyền máu cho người khác, hiến tạng,... còn lại những trường hợp khác là xét nghiệm tự nguyện. Vậy trường hợp của chị, nếu bệnh viện yêu cầu chị xét nghiệm HIV nhằm mục đích như trên thì đó là phù hợp.
15. Làm thế nào để duy trì sức khỏe vì tôi đang uống ARV, có chơi thể thao được không? Tôi cần kiêng những gì?
Trả lời:
Để duy trì tình trạng sức khỏe nói chung và khi đang uống thuốc ARV nói riêng thì ăn uống, làm việc điều độ, tập thể dục thường xuyên, tránh lạm dụng thuốc hút, rượu bia, ma túy...
Ngoài ra tinh thần cũng chiếm vị trí quan trong việc duy trì tình trạng sức khỏe.
16. Vợ chồng tôi bị nhiễm HIV chồng tôi đã mất. Chúng tôi có 1 cháu nhỏ 04 tuổi (cháu không bị nhiễm HIV). Vì thiếu hiểu biết nên tôi không dám chăm sóc cháu mà để bà nội nuôi cháu từ năm 2003 đến nay. Nay tôi muốn được nuôi con nhưng bà nội cháu không đồng ý vì cho rằng tôi không có đủ điều kiện kinh tế để nuôi cháu. Tôi có được quyền nuôi con tôi không?
Trà lời:
Theo luật phòng chống HIV/AIDS thì người nhiễm HIV có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như những người khác, nên chị cũng có quyền nuôi con, vấn đề là ở chỗ:
- Chị phải đảm bảo các biện pháp cần thiết để không lây truyền HIV sang con.
- Chị phải đảm bảo các điều kiện về kinh tế để nuôi nấng, chăm sóc con.
17. Xin hỏi giữa HIV và AIDS có gì giống và khác nhau?
Trả lời:
Nhiễm HIV là tình trạng bệnh nhân chưa có biểu hiện triệu chứng, vẫn sống và làm việc nhiều năm. Khi tiến triển sang giai đoạn AIDS, tức là hệ thống miễn dịch bị suy yếu nghiêm trọng, sẽ biểu hiện nhiều triệu chứng của các bệnh nhiễm trùng cơ hội: sốt kéo dài, sụt cân, tiêu chảy kéo dài, nấm miệng, ho kéo dài...
18. Làm thế nào tôi có thể bảo vệ bản thân mình và những người khác không bị nhiễm HIV?
Trả lời:
Chỉ có một cách duy nhất để bạn có thể bảo vệ mình và những người thân không bị nhiễm HIV, đó là kiến thức đầy đủ về HIV. HIV chỉ lây qua ba đường chính:
- Quan hệ tình dục không an toàn.
- Đường máu (dùng chung các dụng cụ xuyên chích qua da mà không được tiệt trùng đúng cách).
- Mẹ truyền sang con.
Dựa trên ba đường lây này, chúng ta cần áp dụng các biện pháp an toàn như:
- Chung thủy một vợ một chồng, nếu có quan hệ ngoài luồng thì phải sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục.
- Truyền máu an toàn, dùng riêng các dụng cụ xuyên chích qua da (dao cạo râu, kềm bấm móng tay, bàn chải đánh răng...).
- Để an toàn cho đứa con được sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm HIV thì chúng ta cần phải đăng ký điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con tại cơ sở y tế nơi địa phương bạn đang sinh sống.
19. Khó khăn lớn nhất đối với người nhiễm HIV trong quá trình điều trị là gì?
Trả lời:
Là tuân thủ việc điều trị: uống đúng thuốc, đúng liều, đúng thời gian, đúng cách, liên tục.
Các yếu tố ảnh hưởng đến tuân thủ:
- Yếu tố tâm lý xã hội: gia đình, công việc, hoàn cảnh kinh tế, bệnh tật.
- Nhân viên y tế: cần tạo niềm tin đối với bệnh nhân.
- Bệnh nhân: hiểu biết về HIV, cách lây truyền, thuốc kháng vi rút, lợi ích của điều trị...
- Thuốc kháng vi rút: tác dụng phụ, kháng thuốc, số lượng thuốc uống, số lần uống...
- Dịch vụ y tế: tiện lợi, phương tiện đầy đủ.
20. Tôi có đứa con, vì biết cháu bị nghiện nên gia đình bắt đi cai. Trung tâm cai nghiện xét nghiệm trong máu cháu đã có HIV dương tính, ngoài ra cháu còn bị viêm gan nữa. Thật lòng tôi rất buồn và bối rối, vì trong nhà còn có hai em của cháu, tôi không biết cách nên làm thế nào để phòng tránh cho các cháu còn lại, và làm sao để gia đình có thể vượt qua cú sốc này. Mong ban tư vấn tư vấn giúp tôi. Tôi xin chân thành cám ơn!
Trả lời:
Người nghiện ma túy thường bị nhiễm HIV do 2 con đường: dùng chung kim tiêm để chích ma túy hoặc quan hệ tình dục không an toàn. Trong trường hợp để phòng tránh việc lây nhiễm HIV sang các thành viên khác trong gia đình chúng ta cần chú ý:
- Dùng riêng các dụng cụ cá nhân có khả năng dính máu (dao cạo râu, đồ cắt móng tay,...).
- Khi người nhiễm HIV có các vết thương (chảy máu hoặc không chảy máu), thì các vết thương này phải được sát trùng, băng bó, các dịch tiết và máu của người bệnh phải được lau chùi và khử trùng, người chăm sóc cho người bệnh phải mang găng tay.
21. Những yếu tố tích cực từ phía bệnh nhân để giúp cho quá trình điều trị hiệu quả?
Trả lời:
- Bệnh nhân phải tuân thủ tốt.
- Bộc lộ tình trạng nhiễm HIV, vượt qua rào cản kỳ thị, phân biệt đối xử.
- Lạc quan, tin tưởng vào quá trình điều trị.
- Lối sống lành mạnh tích cực.
22. Sau khi xét nghiệm, nếu là bị nhiễm HIV thì tôi nên làm gì?
Trả lời:
Sau khi xét nghiệm nếu bạn bị nhiễm HIV thì:
- Tiếp tục sống, học tập và làm việc một cách lạc quan.
- Có những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV cho những người trong gia đình và những người xung quanh: dùng dụng cụ cá nhân riêng (khăn mặt, dao cạo râu,...), trong quan hệ vợ chồng bắt buộc phải dùng bao cao su, nếu bạn muốn có con thì phải tham khảo ý kiến của bác sĩ...
- Thường xuyên định kỳ đến khám và làm các xét nghiệm cần thiết để theo dõi các giao đoạn tiến triển của bệnh.
- Có chế độ dinh dưỡng tốt.
23. Xin hỏi bệnh HIV và bệnh AIDS có phải là một không? Nếu không thì làm sao để phân biệt được?
Trả lời:
HIV là virus gây suy giảm miễn dịch ở người. Còn AIDS là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải. Vậy nếu một người mới nhiễm HIV thì được gọi là người nhiễm HIV. Sau một thời gian nếu không được chăm sóc điều trị đúng cách, HIV sẽ phát triển và gây nên các triệu chứng ở bệnh nhân (tiêu chảy, sụt cân, bị các bệnh mắc phải: lao, ung thư,...) thì được gọi là hội chứng AIDS.
Vậy muốn phân biệt người nhiễm HIV với người có hội chứng AIDS, bệnh nhân phải đến các cơ sở y tế để được khám và làm các xét nghiệm cần thiết.
24. Được biết số người nhiễm HIV còn sống tại Việt Nam là hơn 213.000 người, vậy chúng ta nên làm gì để ngăn chặn số người nhiễm HIV trên không lây lan cho những người xung quanh một cách tốt nhất?
Trả lời:
Để ngăn chặn số người nhiễm HIV không lây lan cho những người xung
quanh một cách tốt nhất có 2 biện pháp:
- Giáo dục, tham vấn, thay đổi hành vi về bệnh HIV.
- Kiểm soát các đường lây nhiễm HIV: đường tình dục, đường máu, đường lây truyền từ mẹ sang con.
25. Vì sao phải chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV?
Trả lời:
HIV là một loại mầm bệnh và người nhiễm nó được coi là bệnh nhân. Nghĩa là họ được quyền được chăm sóc, điều trị, được sống, được làm việc và có đầy đủ các quyền như những người khác.
Do đó, luật phòng chống HIV/AIDS có quy định người nhiễm HIV được đối xử công bằng như những người khác, có đầy đủ các quyền lợi. Điều này không những giúp cho người nhiễm HIV có điều kiện được chăm sóc điều trị, mà còn có điều kiện sống và làm việc, cống hiến cho xã hội.
Việc chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV không những là nghĩa vụ của tất cả mọi người, mà còn tạo điều kiện cho người nhiễm HIV nâng cao sức khỏe, giảm khả năng lây lan cho mọi người xung quanh.
26. Người nhiễm HIV có thể sống tối đa là bao nhiêu năm?
Trả lời:
Hiện tại người nhiễm HIV/AIDS được điều trị bằng thuốc kháng vi rút thì không xác định được thời gian sống tối đa là bao nhiêu năm. Vi dụ người nhiễm HIV đầu tiên của Việt Nam được phát hiện từ năm 1991 được chăm sóc và điều trị thì đến nay vẫn sống khỏe mạnh và sinh hoạt bình thường.
27. Cháu muốn hỏi bác sĩ, bệnh lây nhiễm HIV xuất phát từ đâu? Khi nào? Virus này khi ra môi trường ngoài có thể sống được bao lâu? Tại sao virus HIV lại không lây nhiễm khi bị muỗi hút? Cháu mong bác sĩ trả lời giúp cháu. Cháu xin cảm ơn?
Trả lời:
HIV được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Mỹ vào năm 1981. Tuy nhiên, HIV có nguồn gốc từ đâu thì đến bây giờ cũng có rất nhiều giả thuyết. Khi ra môi trường bên ngoài cơ thể, HIV có thể sống được từ vài phút, vài giờ và tối đa có thể một tuần tùy thuộc vào môi trường sinh sống.
HIV chỉ có thể lây qua 3 con đường. Trong trường hợp muỗi chích người nhiễm HIV rồi chích sang người chưa nhiễm thì không thể lây truyền HIV được, bởi vì khi vào cơ thể muỗi HIV không thể tồn tại và phát triển.
28. Xin hỏi có thể quan hệ tình dục với người có HIV không?
Trả lời:
Về nguyên tắc, khi nhiễm HIV không chống chỉ định về quan hệ tình dục. Tuy nhiên, để phòng lây nhiễm HIV thì phải mang bao cao su khi quan hệ tình dục.
29. HIV có thể lây qua bể bơi không ạ? Ví dụ những người bị lở loét mà họ lại đến bể bơi?
Trả lời:
HIV lây truyền qua 3 đường: mẹ truyền sang con, đường máu, quan hệ tình dục.
Do đó, có thể nói HIV không lây truyền qua nước hồ bơi. Mặc khác, nước hồ bơi luôn luôn được khử trùng và có nồng độ clo dư đạt tiêu chuẩn, nên có khả năng diệt các mầm bệnh có trong nước.
Đối với những người lở loét mà họ lại đến bể bơi thì: hoặc là nhân viên kiểm soát sẽ không cho họ vào bơi, hoặc là nếu vết loét này nhỏ và nhân viên không phát hiện được thì chính nồng độ clo dư cũng sẽ khử trùng các mầm bệnh có trong vết loét này.
(Theo thanhnien.vn)
Phòng khám Đa khoa Biển Việt hỗ trợ tư vấn các vấn đề liên quan đến HIV/AIDS qua tổng đài 0812217575/ 0912075641