Danh sách chuyên khoa

Danh sách dịch vụ

Đánh giá bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) bằng kết quả chụp X-quang

Hình ảnh về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Chụp X-quang không có nhiều giá trị trong chẩn đoán xác định bệnh COPD nhưng có vai trò quan trọng trong định hướng bệnh. Kết quả xét nghiệm bất thường kết hợp với khai thác tiền sử và các xét nghiệm khác sẽ giúp chẩn đoán chính xác, loại trừ các bệnh đường hô hấp có triệu chứng tương tự.

1. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là bệnh gì?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một dạng bệnh lý tắc nghẽn thông khí ở phổi. Bệnh thường có xu hướng trầm trọng dần theo thời gian. Các triệu chứng chính bao gồm khó thở, ho và sinh đờm. Phần lớn bệnh nhân bị viêm phế quản mạn tính có COPD.

COPD có thể được ngăn ngừa bằng việc hạn chế tiếp xúc với yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh như khói hút thuốc và bụi bặm từ môi trường không khí bị ô nhiễm. Chỉ định điều trị COPD bao gồm: Cai hút thuốc, chủng ngừa, phục hồi chức năng, dùng các thuốc giãn phế quản và các steroid. Một số trường hợp có thể được cải thiện bằng trị liệu oxy dài hạn hay ghép phổi. Ở những bệnh nhân có các đợt kịch phát cấp tính nên nhập viện nhanh chóng và cân nhắc về tăng liều điều trị.

2. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) biểu hiện như thế nào?

COPD thường gặp ở những người từ 50 - 60 tuổi, có tiền sử hút thuốc lá lâu năm. Người bệnh có tiền sử ho khạc nhiều, đã xảy ra các đợt nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Một số người bùng phát bệnh thường xuyên có thể dẫn đến suy hô hấp, suy tim và tâm phế mạn type B. Một số khác xuất hiện khó thở nhiều hơn ho khạc đờm, những bệnh nhân này có thể trạng gầy, tâm phế mạn xuất hiện muộn hơn.

Triệu chứng nổi bật của COPD là ho khạc đờm và khó thở. Lúc đầu, người bệnh có khạc đờm ít vào buổi sáng, đờm có nhầy. Khi có đợt bùng phát, đờm thường có mủ, về sau ho khạc đờm diễn ra thường xuyên.

3. Chụp X-quang giúp ích gì trong chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

Những dấu hiệu của COPD có thể xuất hiện trên kết quả chụp X-quang bao gồm có hình ảnh phổi kích thước lớn hơn bình thường, cơ hoành trông thấp và phẳng hơn và tim trông dài hơn.

X-quang COPD sẽ không có giá trị chẩn đoán cao nếu tình trạng bệnh chủ yếu là viêm phế quản mạn tính. Tuy nhiên, trường hợp bị khí phế thũng, bác sĩ có thể nhìn thấy nhiều vấn đề về cấu trúc của phổi hơn trên hình chụp X-quang. Khí phế thũng trên phim Xquang biểu hiện:

  • Phổi tăng sáng do nền mạch máu bị phá huỷ
  • Có các bóng khí ở đỉnh hoặc ở đáy phổi, đó là những vị trí sáng trên phim Xquang với đường kính > 1cm
  • Cơ hoành hạ thấp xuống dưới cung xương sườn số 7
  • Góc sườn hoành mở rộng
  • Có khoảng sáng sau xương ức > 4,5cm

Trường hợp khí phế thũng phổi nặng, vòm cơ hoành có thể bị đảo ngược, trên phim nghiêng và phim thẳng thấy tim treo lơ lửng trên vòm hoành, chỉ số tim/lồng ngực < 1⁄2.

Các bóng khí ở trong phổi là túi không khí hình thành gần bề mặt phổi. Khi chúng bị vỡ, không khí sẽ tràn ra xung quanh phổi, còn gọi là tràn khí màng phổi tự phát. Đây là trường hợp cần cấp cứu khẩn cấp với biểu hiện đau ngực rõ rệt và tình trạng khó thở tăng mạnh. Hình ảnh Xquang có thể cho thấy có các vùng sáng hơn tại vị trí dịch tràn ra kết hợp với các dấu hiệu lờ mờ của bờ mạch máu, rốn phổi đậm và các mạch máu tăng đậm tạo nên hình ảnh phổi bẩn. Vì bình thường, phổi chỉ chứa khí nên hình ảnh Xquang chỉ có màu đen, khi có các chất dịch hoặc dị vật, hình ảnh Xquang sẽ cho màu sáng.

Nhìn chung, hình ảnh chụp X-quang lồng ngực sẽ cung cấp cho bác sĩ những thông tin giá trị về tình trạng tim cũng như mạch máu xung quanh như kích thước của tim, kích thước mạch máu, dấu hiệu tràn dịch quanh tim hay dấu hiệu vôi hóa, xơ cứng van và mạch máu. Trên phim chụp Xquang có thể nhìn thấy hình ảnh căng giãn phổi, hình ảnh động mạch phổi thưa thớt, màu sắc tăng đậm.

Ngoài ra, kết quả chụp X-quang còn có thể phát hiện các vấn đề về xương ở trong lồng ngực như có bị gãy và vị trí gãy. Tất cả tình trạng trên từ tác nhân nội hay ngoại cảnh đều có thể dẫn đến biểu hiện đau tức ngực.

Hình ảnh chụp X-Quang về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

4. Các xét nghiệm khác trong chẩn đoán COPD

Test hồi phục phế quản dùng để phân biệt hen và COPD. Người ta tiến hành đo chỉ tiêu thông khí phổi (FEV1) cho bệnh nhân, sau đó cho khí dung salbutamol hoặc bơm hít định liều với liều lượng 200mg - 300mg (2 - 3 lần xịt); sau 20 - 30 phút tiến hành đo lại FEV1. Nếu FEV1 tăng trên 15% và 200ml so với trước xịt salbutamol thì đó là test hồi phục phế quản (+) và rối loạn thông khí tắc nghẽn có hồi phục. Nếu FEV1 không tăng hoặc tăng không được 15% so với trước xịt salbutamol là test hồi phục phế quản (-) .

Thông khí phổi (TKP): TKP có vai trò quan trọng trong chẩn đoán xác định COPD, biết chính xác giai đoạn bệnh, theo dõi kết quả điều trị, tiến triển và tiên lượng bệnh. Đo TKP cho những bệnh nhân có ho, khạc đờm mạn tính hoặc có tiếp xúc với những yếu tố nguy cơ cho phép chẩn đoán sớm COPD.

Khí máu động mạch: Khí máu động mạch là một xét nghiệm quan trọng giúp xác định suy hô hấp cấp hay mạn tính và rối loạn thăng bằng kiềm toan trong COPD. Đặc biệt là giai đoạn nặng, hầu hết đều có giảm PaO2 , tăng PaCO2, nên đo khí máu động mạch là rất cần thiết.

  • Giảm PaO2 trong COPD: Chủ yếu là do giảm thông khí phế nang và mất cân bằng giữa thông khí với tuần hoàn.
  • Giảm PaO2 nhưng không tăng PaCO2 : Xảy ra ở giai đoạn nhẹ và trung bình của COPD.

Điện tâm đồ: Không giúp chẩn đoán xác định COPD nhưng giúp chẩn đoán biến chứng lên tim của COPD. Những thay đổi bất thường trên điện tâm đồ trong bệnh COPD là do:

  • Khí phế thũng: Khí phế thũng làm thay đổi tương đối vị trí của tim trong lồng ngực, làm ảnh hưởng đến các điện cực cuối cùng là kết quả điện tim
  • Tâm phế mạn: Làm tăng áp lực ở động mạch phổi ảnh hưởng đến chức năng của tâm nhĩ và tâm thất phải. Từ đó phát hiện những bất thường trên kết quả ECG

Công thức máu: Giúp phát hiện biến chứng đa hồng cầu trong COPD với Hct > 55%. Ngoài ra, còn giúp phát hiện thiếu máu đẳng sắc mạn tính do viêm.

Bài viết tham khảo nguồn: Hội hô hấp thành phố Hồ Chí Minh

Xem Thêm: Bệnh phổi tắc nghẽn COPD và ung thư phổi

Đánh giá bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) bằng kết quả chụp X-quang
Hotline0812217575