Danh sách chuyên khoa

Danh sách dịch vụ

Hướng dẫn của CDC cho các doanh nghiệp và người sử dụng lao động để lập kế hoạch và phản ứng với dịch 2019-nCoV

Hướng dẫn này có thể giúp doanh nghiệp phòng tránh các bệnh hô hấp cấp tính, bao gồm viêm phổi cấp do 2019-nCoV, tại các cơ quan không phải là cơ sở y tế. Hướng dẫn này cũng giúp lập kế hoạch nếu dịch 2019-nCoV trở nên trầm trọng hơn.

1. Khuyến cáo cho người sử dụng lao động trong thời điểm hiện tại (09/02/2020)

Khuyến khích nhân viên bị ốm ở nhà

  • Nhân viên có các triệu chứng hô hấp cấp tính nên ở nhà và không đi làm trừ khi họ hết sốt, và không có bất kỳ triệu chứng hô hấp nào khác trong vòng ít nhất 24h với điều kiện không sử dụng thuốc giảm sốt và điều trị triệu chứng (như thuốc ho). Nhân viên cần thông báo cho cán bộ lãnh đạo và ở nhà nếu bị ốm.
  • Cần đảm bảo rằng doanh nghiệp có chính sách linh động và nhất quán với các hướng dẫn y tế và nhân viên nắm được những chính sách này
  • Cần thảo luận với các đối tác cung cấp lao động tạm thời hoặc hợp đồng cho doanh nghiệp của bạn về tầm quan trọng của việc cho nhân viên bị ốm ở nhà và khuyến khích đối tác ra chính sách nghỉ ốm mà không bị phạt.
  • Cho phép nhân viên bị các bệnh hô hấp cấp tính nghỉ ốm ở nhà mà không cần giấy khám của bác sĩ.
  • Người sử dụng lao động cần duy trì các chính sách linh động cho phép nhân viên ở nhà chăm sóc thành viên gia đình bị ốm. Cần hiểu rằng sẽ số nhân viên ở nhà do bị ốm, do chăm trẻ hoặc các thành viên gia đình khác bị ốm sẽ nhiều hơn bình thường

Phân tách nhân viên bị ốm

  • CDC khuyến cáo cách ly nhân viên có các triệu chứng hô hấp cấp tính (ho, khó thở) khỏi những nhân viên khác và về nhà ngay lập tức. Nhân viên bị ốm cần dùng khăn giấy hoặc khuỷu tay (khi không có khăn giấy) để che mồm và mũi khi ho, hắt hơi, sổ mũi.
  • Cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ở nhà khi ốm, các quy tắc vệ sinh tay và quy tắc hô hấp cho toàn bộ nhân viên.
  • Dán poster ngoài cửa của khu vực làm việc và các vị trí vận hành khác trong cơ quan với nội dung khuyến cáo việc ở nhà khi ốm, quy tắc cần áp dụng khi ho, hắt hơi sổ mũi, các quy tắc vệ sinh tay để mọi người đều đọc được.
  • Cung cấp khăn giấy dùng một lần cho nhân viên.
  • Hướng dẫn nhân viên rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng hoặc dung dịch nước rửa tay có chứa cồn (nồng độ ít nhất 60%) trong vòng 20s. Ưu tiên sử dụng nước và xà phòng nếu tay có vết bẩn rõ ràng.
  • Cung cấp xà phòng và nước rửa tay có chứa cồn tại nơi làm việc. Cần đảm bảo nguồn cung các vật tư này. Đặt bình chứa nước rửa tay tại nhiều vị trí hoặc trong phòng hội thảo để khuyến khích việc vệ sinh tay.
  • Cần đảm bảo nhân viên nắm được các quy tắc vệ sinh tay và thực hiện đúng khi hắt hơi, sổ mũi, ho.

Vệ sinh môi trường thường xuyên

  • Vệ sinh thường xuyên và định kỳ các bề mặt trong khu vực làm việc, như mặt bàn làm việc, bàn phím và tay nắm cửa. Sử dụng dung dịch tẩy rửa thường dùng cho các vật dụng này và làm theo hướng dẫn ghi trên nhãn.
  • Chưa cần dùng các loại dung dịch khử trùng đặc biệt thay cho các dung dịch tẩy rửa bình thường.
  • Cung cấp giấy vệ sinh dùng một lần để nhân viên vệ sinh thường xuyên các bề mặt làm việc (như tay nắm cửa, bàn phím, điều khiển từ xa, mặt bàn) trước khi sử dụng.

Khuyến cáo nhân viên thực hiện những bước sau trước khi đi công tác hoặc du lịch:

  • Đọc kỹ các hướng dẫn và khuyến cáo phiên bản mới nhất của bộ y tế về việc tới quốc gia khác. Cần lưu ý đặc biệt khi đi tới hoặc quay về từ Trung Quốc.
  • Khuyến cáo nhân viên tự kiểm tra các triệu chứng hô hấp cấp tính trước khi đi du lịch hoặc công tác, báo cho quản lý trực tiếp và ở nhà nếu bị ốm
  • Cần đảm bảo rằng những nhân viên bị ốm khi đi du lịch hoặc công tác hiểu rằng họ phải báo với quản lý và phải gọi cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn.

Những khuyến cáo khác trong giai đoạn dịch 2019-nCoV hiện tại

  • Nhân viên khỏe mạnh nhưng ở chung với người bị nhiễm 2019-nCoV cần báo cho cán bộ quản lý trực tiếp và cơ sở y tế gần nhất. Tham khảo hướng dẫn cách phòng chống 2019-nCoV khi có người nhà bị nhiễm.
  • Nếu nhân viên bị nhiễm 2019-nCoV thì cần báo ngay với quản lý và thông báo về những người đã tiếp xúc gần với mình. Nhân viên đã tiếp xúc gần với đồng nghiệp bị nhiễm 2019-nCoV cũng cần báo ngay cho quản lý của mình.

Cách phòng chống lây nhiễm virus Corona

2. Lập kế hoạch cho khả năng bùng nổ dịch 2019-nCoV tại Việt Nam

Hiện vẫn chưa rõ bao nhiêu người có khả năng sẽ bị nhiễm 2019-nCoV tại Việt Nam. Do vậy người sử dụng lao động cần lập kế hoạch ứng phó linh động với các mức độ dịch bùng phát khác nhau và tinh chỉnh lại kế hoạch kinh doanh nếu cần thiết. Với cộng đồng nói chung, bao gồm nhân viên tại các cơ sở ngoài ngành y và nơi mà công việc không có nguy cơ phơi nhiễm với 2019-nCoV, 2019-nCoV có nguy cơ thấp đối với sức khỏe. Sẽ cần theo dõi và cập nhật thường xuyên các thông tin mới nhất từ Bộ Y tế.

3. Những cân nhắc khi lập kế hoạch

Tất cả người sử dụng lao động cần cân nhắc cách tốt nhất để có thể giảm thiểu việc phát tán các căn bệnh hô hấp cấp tính và làm giảm nguy cơ của 2019-nCoV tại nơi làm việc khi dịch bùng phát tại Việt Nam. Cần xác định và truyền thông mục tiêu của họ bao gồm một trong những mục tiêu sau đây:

  • (a) Giảm luân chuyển nhân viên
  • (b) Bảo vệ những người có nguy cơ cao (bao gồm người già và người mắc bệnh nền mãn tính)
  • (c) Duy trì hoạt động kinh doanh
  • (d) Giảm thiểu hậu quả bất lợi đối với đối tác trong chuỗi cung ứng

Một số yếu tố chính khi ra quyết định hành động là:

  • Mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh (tức số người mắc bệnh, số người phải nhập viện và tỷ lệ tử vong) trong cộng đồng nơi hoạt động kinh doanh diễn ra
  • Ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nhân viên dễ mắc bệnh và có thể có nguy cơ mắc bệnh nặng khi nhiễm 2019-nCoV. Truyền thông tới nhân viên rằng một số người có thể bị bệnh nặng như người già và người mắc bệnh nền mãn tính.
  • Chuẩn bị phương án ứng phó với kịch bản số người không tham gia hoạt động của công ty tăng cao do họ hoặc thành viên trong gia đình họ bị nhiễm bệnh, hoặc do trường mẫu giáo, tiểu học đóng cửa.
  • Chủ lao động cần lập kế hoạch kiểm soát và ứng phó với tình trạng vắng mặt tại nơi làm việc. Triển khai kế hoạch nhằm tiếp tục các hoạt động kinh doanh lõi trong trường hợp số người vắng mặt cao hơn bình thường.
  • Đào tạo chéo nhân sự thực hiện các hoạt động cốt yếu để công ty có thể vận hành ngay cả khi những thành viên chủ chốt vắng mặt.
  • Đánh giá các hoạt động thiết yếu và mức độ phụ thuộc của đối tác và cộng đồng vào các dịch vụ hoặc sản phẩm của công ty. Hãy sẵn sàng thay đổi phương thức vận hành nếu cần nhằm duy trì các hoạt động lõi (ví dụ: xác định các nhà cung cấp thay thế, đặt mức ưu tiên cho khách hàng hoặc tạm thời đình chỉ một số hoạt động nếu cần).
  • Những công ty thực hiện hoạt động kinh doanh tại nhiều vị trí địa lý nên cung cấp cho người quản lý địa phương quyền thực hiện những hành động thích hợp đã mô tả trong kế hoạch phản ứng khi dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát dựa trên điều kiện tại chỗ.
  • Khuyến khích tất cả các đơn vị thuộc công ty phối hợp với các cơ sở y tế tại địa phương và trung ương để thu nhận thông tin chính xác và kịp thời cho việc ra quyết định hành động phù hợp cho mỗi đơn vị. Cường độ bùng phát dịch tại mỗi vị trí địa lý sẽ khác nhau do vậy các cơ quan y tế tại địa phương sẽ có hướng dẫn riêng phù hợp với cộng đồng tại đó.

4. Những lưu ý quan trọng khi thiết lập kế hoạch phản ứng khi dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát

Tất cả người sử dụng lao động cần sẵn sàng triển khai các chiến lược bảo vệ nhân viên khỏi 2019-nCoV sao cho hoạt động vận hành của công ty vẫn diễn ra liên tục. Trong giai đoạn bùng phát dịch, tất cả nhân viên bị ốm phải ở tại nhà và không tới nơi làm việc, cần khuyến cáo việc rửa tay và nguyên tắc hô hấp đúng cách, và cần thường xuyên làm sạch các bề mặt hay chạm vào.

Người sử dụng lao động cần:

  • Đảm bảo kế hoạch có tính linh động và nhân viên tham gia vào việc phát triển và xem xét kế hoạch hành động
  • Thực hiện thảo luận và diễn tập kế hoạch nhằm xem xét và khắc phục những lỗ hổng hoặc vấn đề có thể có trong kịch bản
  • Công bố kế hoạch với nhân viên và giải thích các chính sách về nhân sự, nơi làm việc, phương thức làm việc linh động ngoài cơ quan, cũng như các chính sách lương và thưởng mà nhân viên có thể nhận khi kích hoạt kịch bản
  • Chia sẻ các biện pháp tốt nhất cho công ty khác (đặc biệt là các công ty trong chuỗi cung ứng), phòng thương mại và các hiệp hội để cải thiện các nỗ lực phản ứng của cộng đồng với dịch bệnh.

Những khuyến cáo cho một kế hoạch phản ứng khi dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát:

  • Xác định khả năng phơi nhiễm liên quan đến công việc và rủi ro đối với sức khỏe của nhân viên.
  • Rà soát lại các chính sách nhân sự trong kịch bản để đảm bảo rằng các chính sách và hành động nhất quán với những khuyến cáo y tế công cộng cũng như với luật lao động hiện hành
  • Xem xét khả năng thiết lập các chính sách và hành động mới như nơi làm việc linh động (ví dụ làm việc từ xa), thời gian làm việc linh động (ví dụ: phân ca) để tăng khoảng cách vật lý giữa nhân viên và giữa nhân viên với người khác nếu cơ quan y tế địa phương và trung ương khuyến các thực hiện các chiến lược phân vùng. Đối với những nhân viên có khả năng làm việc từ xa, cán bộ quản lý cần khuyến khích họ làm việc từ xa thay vì đến công sở cho đến khi dập được dịch bệnh. Đảm bảo hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng được khi có nhiều nhân viên làm việc tại nhà.
  • Xác định các hoạt động kinh doanh lõi, các nhiệm vụ và công việc trọng yếu, những nhân tố trong chuỗi cung ứng (ví dụ vật liệu thô, nhà cung cấp, dịch vụ/sản phẩm của nhà thầu phụ, và hậu cần) không thể thiếu được để duy trì vận hành. Lập kế hoạch vận hành cho công ty khi số người phải vắng mặt tăng lên hoặc các chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
  • Thiết lập phân quyền, yếu tố kích hoạt, và các quy trình để: (i) kích hoạt hoặc dừng kế hoạch phản ứng khi dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát, (ii) thay đổi vận hành (ví dụ thay đổi hoặc dừng hoạt động tại vùng bị ảnh hưởng), và (iii) chuyển giao kiến thức kinh doanh cho các nhân sự nòng cốt. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế địa phương để xác định những yếu tố kích hoạt này.
  • Lập kế hoạch giảm thiểu sự phơi nhiễm giữa các nhân viên và giữa nhân viên và cộng đồng nếu cơ quan y tế công cộng yêu cầu thực hiện chiến lược phân vùng.
  • Thiết lập quy trình trao đổi thông tin với người lao động và đối tác về kế hoạch phản ứng khi dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát cũng như các thông tin mới nhất về 2019-nCoV. Cần lường trước được nỗi sợ hãi, lo lắng, tin đồn và thông tin sai lệch ở người lao động và lên kế hoạch truyền thông tương ứng.
  • Cần lên kịch bản vận hành khi số lượng nhân viên nghỉ việc tăng cao do họ bị ốm hoặc phải ở nhà để chăm sóc người ốm trong gia đình hoặc phải ở nhà chăm con khi trường học đóng cửa. Doanh nghiệp và chủ lao động cần chuẩn bị thiết lập nơi làm việc linh hoạt và các chính sách nghỉ phép cho những nhân viên này.
  • Điều kiện tại địa phương sẽ ảnh hưởng đến những quyết định mà cơ quan y tế công cộng đề ra khi có dịch bệnh, do vậy người sử dụng lao động ngay tại thời điểm hiện tại cần liên hệ với cơ quan y tế địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động để nắm được kế hoạch của họ.
  • Nếu có dấu hiệu bùng phát dịch 2019-nCoV tại Việt Nam, cần hủy bỏ các chuyến công tác không thiết yếu.
  • Chính quyền nơi đến công tác có thể thực hiện biện pháp đóng cửa thành phố dẫn tới người đi công tác không thể quay về nhà.
  • Cân nhắc việc huỷ các cuộc họp hoặc sự kiện đông người
  • Phối hợp với các cơ sở y tế trung ương và địa phương để để xác định các kênh truyền thông và phương pháp phổ biến thông tin về ổ dịch địa phương.

Nguồn: Cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/guidance-business-response.html

Xem thêm:

1. 2019-nCoV lây nhiễm qua đường giọt bắn hay không khí?

2. Ăn gì uống gì để tăng sức đề kháng chống corona?

3. Lau dọn, khử trùng nhà thế nào để chống dịch cúm corona

4. Bộ Y tế khuyến cáo về bệnh viêm phổi do virus lạ từ Trung Quốc

Hướng dẫn của CDC cho các doanh nghiệp và người sử dụng lao động để lập kế hoạch và phản ứng với dịch 2019-nCoV
Hotline0812217575