Danh sách chuyên khoa

Danh sách dịch vụ

Người bị nhiễm HIV có thể sinh con khỏe mạnh không?

Làm cách nào để người bị nhiễm HIV vẫn đẻ ra những đứa con khỏe mạnh? Cùng tham khảo bài viết sau để có những thông tin bổ ích nhất.

1. Nam bị nhiễm HIV làm thế nào để sinh ra những đứa con khỏe mạnh?

Nam giới nhiễm HIV có thể có những đứa con khỏe mạnh, chỉ cần khống chế tải lượng virus trong quá trình quan hệ.

"Tôi có thể lấy vợ và sinh con khỏe mạnh không?" là câu hỏi phổ biến của những người đàn ông nhiễm HIV.

Các chuyên gia khẳng định những bệnh nhân này hoàn toàn có thể có một gia đình hạnh phúc và có con cùng người phụ nữ mình yêu thương một cách an toàn khỏe mạnh. Tất cả là nhờ vào hiệu quả điều trị của liệu pháp kháng virus (Anti-retroviral therapy) và sự hỗ trợ từ bác sĩ chuyên khoa sản.

Một nghiên cứu quy mô lớn ở Pháp khảo sát trên các cặp đôi bất xứng (chồng nhiễm HIV, vợ không nhiễm). Trong đó người chồng đang duy trì điều trị kháng virus bằng ARV và đã khống chế tốt tải lượng virus.

Bố bị nhiễm HIV vẫn có thể đẻ con khỏe mạnh bình thường (ảnh minh họa)

- Nhóm một: Không áp dụng biện pháp can thiệp nào, hai vợ chồng sinh hoạt tình dục bình thường, không sử dụng bao cao su. Về cơ bản, nhóm này thụ hưởng hiệu quả dự phòng của phương pháp điều trị như là biện pháp dự phòng (treatment as prevention).

- Nhóm 2: Quan hệ giới hạn vào ngày rụng trứng nhờ xét nghiệm nước tiểu để tính ngày rụng trứng. Phương pháp này tạm gọi là quan hệ không bao ngắt quãng, vì người sử dụng sẽ quan hệ xen kẽ có bao cao su và không bao cao su vào cận ngày trứng rụng.

- Nhóm 3: Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (Pre-exposure prophylaxis, PrEP) cho người vợ.

- Nhóm 4: Áp dụng song hành cả PrEP và phương pháp quan hệ ngắt quãng.

- Nhóm 5: Can thiệp hỗ trợ sinh sản bằng rửa tinh dịch rồi bơm vào tử cung (Intrauterine insemination), tức là thụ tinh nhân tạo. Nghiên cứu không thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.

Việc phân chia ra 5 nhóm nhằm mục đích đánh giá và so sánh hiệu quả dự phòng trong việc giảm lây nhiễm cho người vợ và em bé nếu thụ thai, hiệu quả thụ thai thành công và chi phí giữa các biện pháp dự phòng kể trên.

Sau một năm theo dõi, nhóm nghiên cứu rút kết quả như sau:

1.1/ Về hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV cho người vợ và em bé

Nguy cơ lây nhiễm HIV sang người vợ và em bé tích lũy sau một năm giảm dần. Ở nhóm một chỉ điều trị cho người đàn ông thì có 5,4 trong 10.000 thai phụ bị lây nhiễm HIV từ chồng, 0,014 trong 10.000 trường hợp lây nhiễm cho con. Nhóm điều trị PrEP, tỷ lệ tương ứng là 1,8 và 0,005. Nhóm quan hệ tính ngày là 0,9 và 0,002. Nhóm kết hợp PrEP và quan hệ tính ngày là 0,3 và 0,001. Riêng nhóm thụ tinh nhân tạo không ghi nhận trường hợp lây nhiễm nào.

1.2/ Về khả năng thụ thai

Khả năng thụ thai tự nhiên ghi nhận vào khoảng 14,6% cho mỗi chu kỳ (tháng). Trong trường hợp có hỗ trợ sinh sản bằng thụ tinh nhân tạo, tỷ lệ thành công tăng lên gần gấp đôi, khoảng 27,1%.

1.3/ Về chi phí và chi phí hiệu quả

Chi phí hiệu quả là phần chi phí phân bổ cho một mục đích can thiệp cụ thể, trong trường hợp này là hiệu quả dự phòng và thụ thai. Trong đó, phương pháp quan hệ tính ngày cho chi phí thấp nhất, khoảng 786 Euro cho một cặp đôi mỗi năm), điều trị PrEP là 3.836 Euro, thụ tinh nhân tạo là 3.206 Euro. Trong khi đó nếu kết hợp PrEP và quan hệ tính ngày, chi phí hiệu quả giảm xuống còn khoảng 1.324 Euro mỗi cặp đôi. 

Với phương pháp phân tích so sánh như trên, nghiên cứu đã cho thấy bằng chứng về độ an toàn, hiệu quả thụ thai và chênh lệch chi phí giữa các phương pháp giúp cho nam giới nhiễm HIV có thể có con. Bên cạnh đó còn giúp giảm lây nhiễm cho vợ và thai nhi.

Tổng kết sơ bộ kết quả nghiên cứu trên và đối chiếu với tình hình Việt Nam, các chuyên gia đưa ra nhận định như sau:

- Dùng phương pháp nào, điều trị kháng HIV cho người đàn ông vẫn là cốt lõi trong quá trình can thiệp để giúp họ có con. Khống chế tốt tải lượng virus trong máu người chồng là tiền đề cho mọi lựa chọn can thiệp hỗ trợ khác nhằm phục vụ cho mục đích có em bé.

Do vậy trước khi quyết định có con, hai vợ chồng cần đảm bảo đạt được mục tiêu của điều trị ARV là khống chế tốt tải lượng virus. Bước kế tiếp mới là yêu cầu sự hỗ trợ của bác sĩ điều trị và bác sĩ sản phụ khoa cho các can thiệp bổ trợ khác. “Điều trị như là một biện pháp dự phòng” là thông điệp quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Các bằng chứng khoa học khác đã khẳng định hiệu quả dự phòng lây nhiễm của điều trị ARV.

- Phương pháp thụ tinh nhân tạo và thụ tinh ống nghiệm cho hiệu quả dự phòng cao, tỷ lệ thụ thai thành công cũng vượt trôi. Tuy vậy chi phí lại rất cao và đòi hỏi nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại. Bên cạnh đó hạn chế về khả năng tiếp cận (chỉ vài trung tâm có dịch vụ này) cũng là một rào cản đối với người bệnh.

- Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) cũng là phương pháp hữu dụng, đặc biệt khi kết hợp với phương pháp quan hệ tính ngày. Trong kết quả nghiên cứu, kết hợp 2 phương pháp này sẽ làm giảm chi phí và tăng hiệu quả. Đây có thể được xem là can thiệp ưu việt so với các phương pháp khác.

- Phương pháp quan hệ tính ngày rụng trứng khá đơn giản, ít tốn kém, dù hiệu quả không tuyệt đối, song vẫn có giá trị dự phòng lây nhiễm. Nếu xét trên mặt bằng thu nhập của người có H ở Việt Nam, phương pháp này có tính chấp nhận được, người chồng cần tuân thủ tốt điều trị ARV cho bản thân trước khi đi đến quyết định áp dụng.

2. Nữ bị nhiễm HIV làm thế nào để sinh con khỏe mạnh bình thường?

Để người mẹ nhiễm HIV có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh, việc điều trị bằng ARV (thuốc kháng virus HIV) cho mẹ và dự phòng cho trẻ là hết sức quan trọng.

Người mẹ nhiễm HIV có thể truyền bệnh cho con qua các giai đoạn:

- Khi người mẹ mang thai, HIV từ mẹ truyền qua nhau thai vào cơ thể thai nhi từ rất sớm, có thể ngay từ tuần thứ 8 của thai kỳ. 

- Khi người mẹ sinh con, HIV lây từ dịch và máu của mẹ nhiễm HIV vào cơ thể trẻ và khi cho con bú, HIV có thể lây qua sữa mẹ hoặc các vết nứt, trầy xước ở núm vú mẹ sang cơ thể trẻ.

Tuy nhiên, người phụ nữ mắc bệnh HIV nếu được phát hiện sớm, sử dụng thuốc kháng virus ARV cho bà mẹ và trẻ sơ sinh có thể giảm tỷ lệ lây nhiễm cho trẻ từ 25% xuống còn 2%, thậm chí thấp hơn. Ngay cả khi chỉ uống thuốc dự phòng ARV trong chuyển dạ và 24 - 48 giờ đầu sau sinh cũng có khả năng giảm đáng kể tỷ lệ nhiễm cho trẻ, tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con chưa đến 10%.

Khuyến cáo: Để có một thai kỳ khỏe mạnh và con sinh ra không bị lây nhiễm HIV, sản phụ nên tầm soát HIV. Nếu phát hiện bệnh và được uống thuốc theo phác đồ điều trị sớm, bệnh nhân có thể đảm bảo hiệu quả tối ưu trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con.

Một điều cần lưu ý đối với những người mẹ mắc HIV khi mang thai và sinh con là không nên cho con bú bằng sữa mẹ. Mặc dù trên thực tế, sữa mẹ vẫn là nguồn thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh, có chứa nguồn dưỡng chất quý giá, nhưng nếu cho trẻ sơ sinh ăn sữa mẹ bị nhiễm HIV thì khả năng lây nhiễm là rất cao, chiếm khoảng 30%. Chính vì thế, để đảm bảo an toàn và giúp hạn chế khả năng lây nhiễm HIV ở trẻ sơ sinh thì nên sử dụng nguồn sữa thay thế.

3. Cha và mẹ cùng nhiễm HIV khi quan hệ với nhau có thai thì có ảnh hưởng em bé?

Cha và mẹ đều bị nhiễm HIV khi quan hệ nhau có thai thì ảnh hưởng thai nhi tùy thuộc sức khỏe của người mẹ. Mẹ bị suy giảm miễn dịch nặng, suy kiệt thì con có thể bị thai lưu, suy dinh dưỡng thai nhi…

Để được tư vấn cụ thể về sức khỏe sinh sản cho người bị nhiễm HIV các bạn vui lòng liên hệ phòng khám đa khoa Biển Việt theo số điện thoại: 0812217575/ 0912075641.

Địa chỉ: Số 18, Nhà Vườn 1, Tổng Cục 5, Bộ Công An, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội.

(Bài viết tham khảo nhiều nguồn)

Người bị nhiễm HIV có thể sinh con khỏe mạnh không?
Hotline0812217575