Những nguy cơ lây nhiễm HIV trong cuộc sống hằng ngày? Những đối tượng nào có nguy cơ lây nhiễm HIV cao?
Trong cuộc sống hằng ngày, ai cũng có nguy cơ lây nhiễm HIV từ nhiều nguyên nhân khác nhau, lây nhiễm HIV qua những con đường nào?
Bác sĩ chuyên khoa Truyền nhiễm Phòng khám đa khoa Biển Việt chia sẻ với các bạn như sau:
Các nguy cơ lây nhiễm HIV trong cuộc sống hằng ngày
HIV là căn bệnh thế kỉ, vi rút HIV rất khó kiểm soát, sinh sôi, phát triển rất nhanh. Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết:
Thống kê 9 tháng năm 2018 tại nước ta, số người nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở mức độ tuổi từ 16 – 29 (38%) và 30-39 (36%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (63%) và qua đường máu (23%). Trong số nhiễm mới HIV, có 36% là phụ nữ lây từ chồng, bạn tình bị nhiễm HIV, 24% là người quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới nữ, 23% là người nghiện chích ma túy, 10% là người mua dâm, 5% là nam giới lây từ vợ, bạn tình bị nhiễm HIV, 2% là phụ nữ bán dâm.
(Theo báo người lao động)
Bạn có biết? Mẹ bị nhiễm HIV con sinh ra vẫn khỏe mạnh bình thường
Dịch vụ Tư vấn, khám phơi nhiễm và điều trị HIV
1. Nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục
Nếu như trước đây ở Việt Nam, tiêm chích ma túy là nguyên nhân chính dẫn đến sự lây nhiễm HIV thì trong những năm gần đây, quan hệ tình dục không an toàn mới chính là con đường lây bệnh chủ yếu.
Trong quan hệ tình dục thông thường, dương vật của người nam và âm đạo của người nữ tiếp xúc với nhau. Nếu như người nam nhiễm HIV thì vi rút HIV có thể đi qua lớp niêm mạc âm đạo của người nữ (lớp da mỏng bên trong che phủ bề mặt âm đạo) vào những mạch máu nhỏ li ti có rất nhiều dưới lớp niêm mạc, khiến người nữ bị nhiễm vi rút HIV. Và ngược lại, nếu người nữ mang HIV thì nguy cơ lây nhiễm HIV sang người nam cũng là rất lớn. Vi rút HIV có thể có thể lây truyền sang người nam qua niêm mạc ở lỗ dương vật hoặc qua lớp bao phủ đầu dương vật ở phía ngoài. Bởi vì lớp da này rất mỏng nên trong khi giao hợp rất dễ bị vết xước nhỏ khó nhận biết, vì thế tạo điều kiện cho HIV xâm nhập.
Trường hợp quan hệ bằng miệng như dương vật và miệng, miệng và âm hộ, thì nguy cơ truyền HIV thấp hơn so với giao hợp thông thường. Nhưng nếu không may, trong miệng bị tổn thương, có vết loét, xước, hay chân răng bị chảy máu thì nguy cơ lây nhiễm HIV là rất lớn. Lúc này, vi rút HIV ở sinh dục có thể xâm nhập vào cơ thể đối phương qua âm đạo hoặc dương vật.
Ngoài ra, giao hợp dương vật – hậu môn là hình thức giao hợp có nguy cơ lây nhiễm HIV cao nhất. Khi giao hợp bằng phương pháp này, hậu môn rất dễ bị xước, rách bởi không có chất dịch làm bôi trơn như phương pháp giao hợp bằng âm đạo.
2. Nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường máu
Vi rút HIV xâm nhập qua đường máu vào cơ thể sẽ bám vào tế bào lympho T, vô hiệu hóa và dùng tế bào lympho T bị bệnh làm tế bào chủ để sinh sản, tạo ra các vi rút HIV con và tiếp tục vô hiệu hóa tế bào lympho khác dẫn đến cơ thể mất khả năng đề kháng với các tác nhân gây bệnh (nhiễm trùng cơ hội).
Các con đường lây nhiễm HIV qua đường máu:
. Các dụng cụ tiêm chích qua da nhưng không được tiệt trùng như dùng chung bơm kim tiêm, kim xăm trổ, kim xâu tai, bấm móng tay, kim châm cứu, ...
. Trường hợp lây nhiễm HIV tại các cơ sở y tế qua các dụng cụ y tế không được vô trùng và không được thực hiện nghiêm đúng chuẩn các quy trình y tế.
. Người chăm sóc bệnh nhân HIV, nguy cơ lây nhiễm qua các vết thương hở khi tiếp xúc trực tiếp với máu của người mang HIV.
. Truyền phải đơn vị máu nhiễm HIV mà không được phát hiện.
3. Nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con
Như chúng ta đã biết, giai đoạn nào cũng có nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con (khi mang thai, khi sinh – là thời điểm dễ lây nhiễm nhất và giai đoạn cho con bú).
Do sau khi sinh trẻ có nhận kháng thể HIV từ mẹ đến 18 tháng tuổi, do đó xét nghiệm kháng thể HIV thông thường sẽ cho kết quả dương tính cho dù trẻ có bị nhiễm hay không.
Vậy nên, kết quả xét nghiệm khẳng định bé lây nhiễm HIV chỉ chính xác sau khi sinh 18 tháng. Thời gian này, máu của trẻ không còn kháng thể của mẹ , mà chỉ có các kháng thể do cơ thể bé tự sinh ra. Và nếu kết quả xét nghiệm lúc này là dương tính thì mới xác định trẻ đã lây nhiễm HIV từ mẹ. Muốn khẳng định trẻ nhiễm HIV trước 18 tháng thì cần phải thực hiện bằng kỹ thuật xét nghiệm khác bên cạnh xét nghiệm kháng thể: Chẩn đoán dựa trên PCR tìm ADN hoặc ARN vi rút HIV (Chú ý nếu trẻ bú mẹ thì ngừng 6 đến 8 tuần trước khi xét nghiệm).
Cách phòng lây nhiễm HIV
- Sử dụng các biện pháp quan hệ tình dục an toàn, không nên quan hệ nhiều người nhất là với gái mại dâm.
- Không dùng chung bơm kim tiêm, dụng cụ tiêm chích.
- Khi truyền máu cho người bệnh, phải được xét nghiệm, kiểm tra kĩ.
- Không dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, …
- Mẹ nhiễm HIV muốn sinh con, cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
- Khi đi cạo râu, xăm hình, làm móng, … nên yêu cầu người làm sử dụng dụng cụ mới, dụng cụ riêng hoặc tiệt trùng dụng cụ bằng cồn.
- Người nhiễm HIV được điều trị sớm bằng thuốc ARV.