Danh sách chuyên khoa

Danh sách dịch vụ

Nguy cơ tử vong từ cơn đau thắt ngực bất chợt

Đau tim, đau thắt ngực là dấu hiệu cảnh báo điển hình nhất cho thấy trái tim đang bị thiếu máu nuôi dưỡng. Cơn đau có thể xuất hiện khi cơ thể gắng sức hoặc căng thẳng tâm lý quá độ; đôi khi cơn đau tim, đau thắt ngực có thể đến bất chợt, dữ dội, báo hiệu sắp có một cơn nhồi máu cơ tim xảy ra. Chỉ một phút chậm trễ cũng có thể cướp đi sinh mạng người bệnh ngay tức thì.

1. Đau tim, đau thắt ngực là dấu hiệu của bệnh gì?

Đau tim, đau thắt ngực có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đa số trường hợp là do xơ vữa mạch vành gây nên.

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, khởi nguồn của sự hình thành mảng xơ vữa là do tổn thương gây viêm thành động mạch vành, kèm theo đó là quá trình lắng đọng và tích tụ cholesterol cùng “chất thải chuyển hóa” của cơ thể trong một thời gian dài. Do vậy, mặc dù bệnh mạch vành thường được phát hiện từ độ tuổi trung niên nhưng thực tế nó đã bắt đầu xuất hiện từ khi chúng ta còn rất trẻ.

Dưới tác động của thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia thường xuyên, ít vận động, chế độ ăn nhiều chất béo, căng thẳng, stress công việc và gia đình… đã khiến một tỷ lệ không nhỏ người trẻ mắc phải căn bệnh mạch vành này. Hậu quả rõ rệt nhất là lưu lượng máu đến nuôi dưỡng cơ tim giảm với biểu hiện là những cơn đau tim, đau thắt ngực.

Một số trường hợp bị đau ngực lại do nguyên nhân khác; chẳng hạn như chấn thương vùng cơ ngực, trào ngược dạ dày thực quản, đau dây thần kinh hay các bệnh lý tại phổi… Tuy nhiên, dù là nguyên nhân gì đi nữa, nếu thấy xuất hiện những dấu hiệu bất thường kèm theo cảm giác đau tim, đau thắt ngực, bạn nên sớm đi khám để có được chẩn đoán chính xác và điều trị bệnh kịp thời.

2. Dấu hiệu đau tim, đau thắt ngực như thế nào?

Đau tim hay đau thắt ngực là cảm giác đau nhói, tức ngực như có vật nặng đè nén hoặc bóp chặt lấy trái tim tại ngực trái phía sau xương ức. Dấu hiệu này có thể khác nhau ở mỗi người. Cơn đau có thể lan từ vùng ngực lên cổ, hàm, lên vai hoặc ra sau lưng.

Khi các tế bào cơ tim bị thiếu máu, tùy từng vị trí bị tổn thương mà mỗi người sẽ cảm nhận khác nhau, có thể là đau ngực trái hoặc đau giữa ngực; cảm giác đau nhói thoáng qua, đau ngực âm ỉ, kéo dài hoặc đau ngực dữ dội… Thông thường, đau tim, đau thắt ngực sẽ chia thành 2 dạng chính:

– Cơn đau thắt ngực ổn định: Xảy ra khi gắng sức, làm việc hay hoạt động mạnh, khi gặp thời tiết lạnh, căng thẳng, stress tâm lý. Lúc này việc nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn mạch sẽ giúp làm dịu các cơn đau. Đau có thể kéo dài trong khoảng một vài phút, với tần suất rất khác nhau, có thể vài lần trong một ngày, cũng có thể vài tuần hay vài tháng mới xuất hiện một lần.

– Cơn đau thắt ngực không ổn định: Xảy ra bất cứ lúc nào, thậm chí là đang nghỉ ngơi, đang ngủ hoặc sinh hoạt bình thường. Cơn đau sẽ rất dữ dội và có thể kèm theo một số triệu chứng như khó thở, đổ mồ hôi lạnh, chóng mặt, choáng váng, buồn nôn và nôn… Dù người bệnh nghỉ ngơi hay dùng thuốc cũng không có tác dụng.

3. Đau tim, đau thắt ngực có nguy hiểm không?

Đau thắt ngực trở nên nguy hiểm khi đó là cơn đau thắt ngực không ổn định. Các triệu chứng có thể tiến triển trầm trọng, kéo dài trên 15 phút và không giảm bớt dù nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn mạch. Đây rất có thể là dấu hiệu cảnh báo của một cơn nhồi máu cơ tim cấp sắp diễn ra.

Lúc này, người bệnh cần được cấp cứu ngay lập tức để được xử lý kịp thời nhằm hạn chế tối đa biến chứng và nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim.

Thời gian “vàng” đối với nhồi máu cơ tim chỉ vỏn vẹn 1 – 2 giờ đầu kể từ khi cơn nhồi máu xảy ra. Bất kỳ sự trì hoãn hay chậm trễ nào cũng sẽ khiến cho trái tim bị tổn thương nặng nề hơn và giảm đi cơ hội sống sót của người bệnh.

4. Xử trí khi bị đau tim, đau thắt ngực

Ngay khi xuất hiện triệu chứng của cơn đau thắt ngực, người bệnh cần xử trí theo các bước sau:

Bước 1: Dừng lại các hoạt động đang thực hiện, ngồi xuống nghỉ ngơi, nới lỏng quần áo để cho dễ thở.

Bước 2: Sử dụng ngay các thuốc giãn mạch mà bác sĩ đã chỉ định, thông thường là Nitroglyceriin đạng ngậm dưới lưỡi hoặc phun sương.

Bước 3: Theo dõi kỹ lưỡng các triệu chứng, nếu cơn đau không hề giảm đi mà nặng dần theo thời gian hoặc kéo dài trên 5 phút thì cần nhờ người thân chuyển tới các cơ sở y tế để được cấp cứu càng nhanh càng tốt.

5. Cần chuẩn bị những gì khi đi khám tim mạch?

Khi đi khám, bạn nên trao đổi với bác sĩ một số những nội dung sau:

– Các triệu chứng đang gặp phải: Mô tả đầy đủ, chi tiết các dấu hiệu, triệu chứng đang gặp phải. Bạn cũng nên kể thêm những yếu tố đã làm khởi phát cơn đau tim hoặc những điều đã giúp bạn cải thiện nó trong thời gian gần đây, bao gồm các thực phẩm ăn vào, công việc đang làm…

– Tiền sử bệnh trước đây: Bạn đã bao giờ bị đau ngực trước đó chưa? Bạn có biết nguyên nhân là gì không hoặc có mắc bệnh nào đó kèm theo không? Gia đình bạn có ai bị bệnh tim hay tiểu đường không? 

– Những loại thuốc bạn đang dùng: Ghi lại các thuốc và tất cả các chất bổ sung mà bạn đang dùng. Nếu có thể, bạn hãy luôn chuẩn bị danh sách này bên mình, để phòng khi khẩn cấp.

Dựa vào những thông tin bạn chia sẻ, bác sĩ sẽ yêu cầu làm thêm một số xét nghiệm cần thiết để có thể chẩn đoán chính xác bệnh, chẳng hạn như: điện tâm đồ thường hoặc điện tâm đồ khi gắng sức, xét nghiệm máu, chụp X-quang ngực, chụp cắt lớp vi tính (CT scan), siêu âm tim…

6. Phòng ngừa và điều trị đau tim, đau thắt ngực như thế nào?

Tùy từng thể trạng và mức độ bệnh khác nhau, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị theo các phương pháp dưới đây:

Thuốc điều trị làm giảm triệu chứng đau tim, đau thắt ngực

– Thuốc giãn động mạch vành: thường là nhóm nitrat dùng đặt dưới lưỡi, để giúp làm giãn các động mạch vành tim, giúp máu lưu thông máu đến cơ tim dễ dàng hơn. 

– Thuốc làm tan huyết khối hay chống cục máu đông: chẳng hạn như Aspiirin, Clopiidogrel… sử dụng khi bệnh nhân có nguy cơ xuất hiện cục máu đông làm tắc nghẽn mạch vành.

7. Biện pháp can thiệp ngoại khoa

– Nong mạch hoặc đặt stent mạch vành: áp dụng khi phương pháp điều trị bằng thuốc không hiệu quả hoặc bệnh nhân có cơn đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim. Đây là một thủ thuật can thiệp nhằm mở rộng mạch máu và cải thiện lưu lượng máu tới nuôi tim, từ đó làm giảm hoặc loại bỏ cơn đau thắt ngực. 

– Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: thực hiện khi mạch vành bị tổn thương nghiêm trọng tại nhiều vị trí hoặc các biện pháp khác không còn hiệu quả. Phẫu thuật này giúp tạo ra một cầu nối bắc qua động mạch vành bị tắc hẹp để nuôi dưỡng tế bào cơ tim đang bị thiếu máu.

7. Điều chỉnh lối sống lành mạnh giúp phòng ngừa và làm giảm tình trạng đau tim

– Nên điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học với ít chất béo bão hòa, chất béo trans, cholesterol, muối và tăng cường các loại trái cây, rau, và ngũ cốc. Một số thực phẩm có thể được lựa chọn như thịt nạc, thịt gia cầm, cá, đậu, sữa và các sản phẩm không có chất béo.  

– Tăng cường vận động, thể dục thể chất nhằm tăng cường lưu thông tuần hoàn máu toàn cơ thể, cải thiện đáng kể sức khỏe tim mạch và hạn chế sự xuất hiện của stress, căng thẳng. Bạn nên lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng, vừa sức như đi bộ nhanh, tập yoga, đạp xe, bơi lội…

– Tránh xa thuốc lá dù bạn có hút hay không hút trực tiếp bởi chất nicotiin có thể khiến mạch máu co thắt, làm khởi phát cơn đau thắt ngực.

– Kiểm soát tốt cholesterol máu và một số bệnh như tăng huyết áp, tiểu đường.


Phòng khám đa khoa Biển Việt

Số 18, Nhà Vườn 1, Tổng Cục 5, Bộ Công An, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Điện thoại: 0812217575/ 02435420311

Nguy cơ tử vong từ cơn đau thắt ngực bất chợt
Hotline0812217575
icon chat