Danh sách chuyên khoa

Danh sách dịch vụ

Nguyên nhân và triệu chứng nhận biết viêm dây thanh quản

Tổng quan bệnh Viêm thanh quản

Thanh quản là một bộ phận ở trên cùng của cổ và có liên quan đến quá trình thở, phát âm và ngăn thức ăn xâm nhập vào khí quản. Ở trạng thái bình thường, thanh quản có thể được gọi là “hộp thoại” giúp con người thực hiện các trạng thái trong giao tiếp như nói, la hét, thì thầm, hát. Đây là một bộ phận được cấu tạo bởi bộ xương sụn chứa các dây thanh âm, bên ngoài có một lớp màng nhầy bao phủ. Các sắc thái khác nhau của âm thanh và chất lượng của âm thanh được điều chỉnh bởi các cơ bên trong thanh quản, hình dạng và sức căng của dây thanh âm, sự thay đổi của luồng không khí đi qua các dây thanh âm. Khi “hộp thoại” và dây thanh âm bị viêm, đó là tình trạng viêm thanh quản.

Tình trạng này gây ra triệu chứng đau cổ họng, giọng nói khàn hoặc nhỏ, thậm chí mất tiếng. Tình trạng này có thể xảy ra trong thời gian ngắn, đó là viêm thanh quản cấp tính hoặc kéo dài là viêm thanh quản mạn tính.

Trong giai đoạn thời tiết thay đổi hoặc bắt đầu vào mùa lạnh, cơ thể trẻ em không kịp thích nghi dẫn đến mắc các bệnh đường hô hấp trên. Khi đó virus hoặc vi khuẩn gặp điều kiện thuận lợi để phát triển và gây ra bệnh viêm thanh quản ở trẻ.

Nguyên nhân bệnh Viêm thanh quản

Viêm thanh quản cấp tính: đa số các trường hợp viêm thanh quản cấp tính diễn ra trong thời gian ngắn và được cải thiện khi giải quyết được các nguyên nhân đằng sau tình trạng này. Một số nguyên nhân gây ra viêm thanh quản cấp như sau:

  • Nhiễm virus giống như trong trường hợp cảm lạnh
  • Nói to, nói lâu, nói quá nhiều, hét thường xuyên
  • Trong một số rất hiếm trường hợp, viêm thanh quản cấp có thể có nguyên nhân là nhiễm khuẩn bạch hầu

Viêm thanh quản mạn tính: tình trạng viêm thanh quản kéo dài trên 3 tuần được gọi là viêm thanh quản mạn tính. Tình trạng này xảy ra do phơi nhiễm với tác nhân gây kích ứng trong thời gian dài. Các nguyên nhân chính của viêm thanh quản mạn tính như:

  • Hít phải các tác nhân gây kích ứng như khói hóa chất, dị nguyên hoặc khói thuốc
  • Hội chứng trào ngược dạ dày – thực quản (GERD)
  • Viêm xoang mạn tính
  • Lạm dụng rượu bia
  • Sử dụng giọng nói với tần suất và cường độ lớn
  • Hút thuốc lá, bao gồm cả hút thuốc thụ động
  • Ho dai dẳng
  • Nhiễm khuẩn, nhiễm nấm hoặc ký sinh trùng
  • Sử dụng các thuốc corticosteroid đường hít, như thuốc hít điều trị hen

Triệu chứng bệnh Viêm thanh quản

Ở người lớn, bệnh có thể có nhiều triệu chứng khác nhau như:

  • Khàn giọng
  • Mất giọng
  • Đau họng
  • Sốt nhẹ
  • Ho dai dẳng
  • Thường xuyên hắng giọng

Những triệu chứng này xuất hiện đột ngột và thường trở nên nặng hơn sau 2 đến 3 ngày. Nếu triệu chứng kéo dài hơn 3 tuần, có thể bệnh đã tiến triển thành viêm thanh quản mạn tính. Các bác sĩ có thể nghi ngờ có những nguyên nhân nghiêm trọng hơn cần được làm rõ.

Viêm thanh quản thường có liên quan và có mắc kèm với một số bệnh khác như viêm amidan, viêm họng, cảm lạnh, cúm nên có thể xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Đau đầu
  • Đau khi nuốt
  • Mệt mỏi
  • Chảy nước mũi

Các triệu chứng viêm thanh quản ở trẻ có thể khác các triệu chứng ở người lớn. Triệu chứng ở đối tượng này thường là sốt nhẹ 37,5 độ C -38,5 độ C, khan tiếng, thở rít, tiếng ho ong ỏng và có biểu hiện lo lắng, sợ hãi. Viêm thanh quản ở trẻ thường nặng hơn vào ban đêm, khi đó ở trẻ có thể xuất hiện các cơn khó thở thanh quản. Nếu trẻ có các triệu chứng sau thì nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất:

  • Khó thở hoặc khó nuốt
  • Sốt trên 39 độ C
  • Chảy nước dãi
  • Khi hít vào có tiếng rít to

Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của viêm phế quản – tình trạng viêm các mô xung quanh đường dẫn khí. Trong một số trường hợp, viêm phế quản có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Đường lây truyền bệnh Viêm thanh quản

Nếu viêm thanh quản mắc phải do nhiễm khuẩn, bệnh hoàn toàn có thể lây nhiễm sang người khác. Để tránh lây nhiễm vi khuẩn sang người khác, người bệnh cần che miệng, che mũi khi ho, hắt hơi và giữ vệ sinh cá nhân tốt (rửa tay thường xuyên, không dùng chung dụng cụ ăn uống...)

Đối tượng nguy cơ bệnh Viêm thanh quản

Người sử dụng giọng nói với tần suất cao và cường độ lớn

  • Người thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc hoặc hóa chất
  • Người lạm dụng rượu bia

Phòng ngừa bệnh Viêm thanh quản

Để phòng ngừa viêm thanh quản, cần thực hiện những điều sau:

  • Không hút thuốc, tránh hút thuốc thụ động: hút thuốc lá làm khô cổ và kích ứng dây thanh âm
  • Không uống đồ uống có cồn, cafein: những chất này làm mất nước của cơ thể
  • Uống nhiều nước: uống nhiều nước giúp chất nhầy trong cổ họng loãng ra và dễ khạc hơn
  • Tránh ăn thực phẩm cay: thức ăn cay làm acid trong dạ dày trào ngược lên thực quản và họng, gây ra đau thượng vị hoặc hội chứng trào ngược dạ dày – thực quản
  • Tránh hắng giọng: động tác này có hại nhiều hơn có lợi, vì nó tạo ra sự rung bất thường của dây thanh âm và có thể làm dây thanh âm sưng hơn. Đồng thời hắng giọng có thể làm cho cổ họng tiết ra nhiều chất nhầy hơn và làm tăng cảm giác muốn hắng giọng lần nữa
  • Tránh các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp: rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc với những người đang mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Đối với trẻ em, phụ huynh cần lưu ý giữ ấm cho trẻ, tránh tiếp xúc với tác nhân gây hại như khói thuốc, bụi, tránh tiếp xúc với người bệnh hô hấp, đặc biệt là khi trời giao mùa, trở lạnh. Tiêm vắc xin đầy đủ cho trẻ. Cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Cần đề phòng tái phát sau khi đã được điều trị khỏi bệnh.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Viêm thanh quản

Bác sĩ thường chẩn đoán viêm thanh quản bằng cách thăm khám lâm sàng, trong đó bác sĩ kiểm tra tình trạng tai, mũi, họng, giọng nói. Đa số các trường hợp không cần làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng.

Triệu chứng điển hình của viêm thanh quản là khàn giọng, vì vậy bác sĩ cần lắng nghe cẩn thận giọng nói của bệnh nhân viêm thanh quản. Bác sĩ cũng có thể khai thác thêm thông tin về lối sống, nguy cơ phơi nhiễm tiềm ẩn với các tác nhân kích ứng trong không khí hoặc các nguyên nhân gây bệnh khác.

Nếu một bệnh nhân có triệu chứng khàn giọng mạn tính, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm khác để kiểm tra toàn diện tình trạng của thanh quản. Khàn giọng dai dẳng có thể là một dấu hiệu của ung thư vùng họng, cần phải có những xét nghiệm cụ thể hơn để chẩn đoán xác định

Kỹ thuật nội soi có thể được sử dụng để quan sát chuyển động của dây thanh âm và xác định xem thanh quản có polyp hoặc nốt sần không. Kỹ thuật sinh thiết cũng có thể được sử dụng nếu một khu vực hoặc mô cần phải đánh giá kĩ hơn.

Các bệnh nhân có triệu chứng kéo dài trên 2 tuần cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được chẩn đoán và điều trị hợp lý.

Các biện pháp điều trị bệnh Viêm thanh quản

Viêm thanh quản thường được điều trị bằng việc nghỉ ngơi, chăm sóc tại nhà, thực hiện các biện pháp cải thiện triệu chứng.

Tự chăm sóc tại nhà: thông thường, bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân nên nghỉ ngơi để cải thiện các triệu chứng của viêm thanh quản, ở đây là hạn chế sử dụng thanh quản như hạn chế nói, hát, thậm chí hạn chế thì thầm. Một số biện pháp chăm sóc tại nhà khác như:

  • Sử dụng máy phun hơi nước để có thể hít thở không khí ẩm
  • Sử dụng các thuốc giảm đau như paracetamol, ibuprofen
  • Tránh hút thuốc, hút thuốc thụ động
  • Uống nhiều nước

Các biện pháp sử dụng thuốc:

  • Bác sĩ có thể kê đơn kháng sinh trong trường hợp viêm thanh quản gây ra do vi khuẩn.
  • Bác sĩ có thể kê đơn corticosteroid để kháng viêm trong các trường hợp nặng.
  • Trong các trường hợp viêm thanh quản gây ra do các bệnh khác như viêm xoang hay trào ngược dạ dày – thực quản, việc điều trị các bệnh này cũng giúp điều trị viêm thanh quản.
  • Bệnh nhân có thể cần được phẫu thuật trong trường hợp thanh quản bị tổn thương nặng sau khi polyp hoặc nốt sần phát triển.

Mọi thông tin cần tư vấn về sức khỏe, Quý khách hàng vui lòng liên hệ

Phòng khám đa khoa Biển Việt

Điện thoại: 02435420311/0812217575

Địa chỉ: Số 18, Nhà Vườn 1, Tổng Cục 5, Bộ Công An, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Nguyên nhân và triệu chứng nhận biết viêm dây thanh quản
Hotline0812217575