Bệnh do virus Ebola hay còn gọi là sốt xuất huyết Ebola, là một căn bệnh truyền nhiễm hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, gây nguy cơ tử vong cao ở người. Các đợt dịch bùng phát thường xuyên xảy ra chủ yếu ở lục địa châu Phi. Virus này được truyền từ động vật hoang dã sang người và lây lan trong quần thể người thông qua việc truyền từ người sang người.
Virus gây bệnh Ebola (nguồn: https://thenativeantigencompany.com)
Tỷ lệ tử vong do virus Ebola trung bình vào khoảng 50% số ca nhiễm. Tỷ lệ tử vong đã thay đổi từ 25% đến 90% trong các vụ dịch trước đây. Sự tham gia của cộng đồng là chìa khóa để kiểm soát dịch bệnh thành công.
1. Đặc tính virus, nguồn gốc, độc lực
Virus Ebola thuộc chi Ebolavirus, có khả năng lây nhiễm và gây bệnh cho người, linh trưởng gồm khỉ, khỉ đột và tinh tinh. Một số chủng virus thuộc chị Ebolavirus có khả năng lây nhiễm cao ở người gồm virus Ebola, Sudan, Tai Forest và Bundibugyo.
Virus Ebola lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1976 sau hai đợt dịch sốt xuất huyết bùng phát tại các quốc gia khác nhau thuộc vùng trung tâm của châu Phi. Đợt dịch đầu tiên xảy ra tại quốc gia Congo, tại một làng nhỏ gần sông Ebola. Do vậy, Ebola đã được đặt tên cho virus gây ra dịch bệnh này. Đợt dịch thứ hai xảy ra tại phía Nam quốc gia Sudan, khoảng 850 km từ Congo. Ban đầu, các chuyên gia về y học cộng đồng cho rằng, đây là hai đợt dịch này có nguồn gốc từ một người bị nhiễm trước đó đã di chuyển giữa hay vùng địa lý. Tuy nhiên, các nhà khoa học sau này đã tìm ra rằng hai đợt dịch này được gây bởi hai chủng virus Ebola có nguồn gốc di truyền khác nhau, đó là chủng Zaire ebolavirus và Sudan ebolavirus. Sau phát hiện này, các nhà khoa học kết luận rằng, virus xuất phát từ hai nguồn khác nhau, và độc lập phát tán và lây lan sang người ở mỗi quốc gia riêng lẻ.
Bằng chứng cho thấy, dơi ăn quả châu Phi có khả năng liên quan đến sự lây lan của virus Ebola và thậm chí có thể là động vật nguồn (vật chủ chứa). Các nhà khoa học tiếp tục tìm kiếm bằng chứng thuyết phục về vai trò của dơi trong việc truyền bệnh Ebola. Virus Ebola gần đây nhất được phát hiện, virus Bombali được phát hiện từ dơi thuộc lãnh thổ Sierra Leone, quốc gia Tây Phi.
Các dữ liệu về virus và dịch tễ học đã cho rằng virus Ebola đã tồn tại rất lâu trước thời điểm hai đợt dịch bệnh đầu tiên bùng phát. Các điều kiện về việc tăng trưởng mạnh mẽ về dân số loài người, việc chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng và việc buôn bán hay ăn thịt động vật hoang dại là nguyên nhân cho sự phát tán của virus Ebola.
2. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhân Ebola
Các triệu chứng có thể xuất hiện trong vòng từ 2 đến 21 ngày sau khi tiếp xúc với virus, trung bình từ 8 đến 10 ngày. Diễn biến của bệnh thường tiến triển với các triệu chứng ban đầu như sốt, đau nhức và mệt mỏi, sau đó tiến triển nặng hơn như tiêu chảy và ói mửa.
Các dấu hiệu và triệu chứng chính của Ebola thường bao gồm một số hoặc một số điều sau đây: sốt, đau và nhức mỏi, chẳng hạn như nhức đầu dữ dội, đau cơ và khớp và đau bụng (dạ dày), yếu và mệt mỏi. Sau đó bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng tiêu hóa bao gồm tiêu chảy và nôn, đau bụng (dạ dày), xuất huyết không rõ nguyên nhân, chảy máu hoặc bầm tím. Các triệu chứng khác có thể bao gồm mắt đỏ, phát ban da và nấc cụt (giai đoạn muộn).
Nhiều bệnh thông thường có thể có các triệu chứng giống như bệnh Ebola, bao gồm cúm, sốt rét hoặc sốt thương hàn.
Dơi ăn quả châu Phi mang virus Ebola
3. Đường lây truyền
Khi một người bị nhiễm Ebola, cần một thời gian ủ bệnh là từ 2 tới 21 ngày trước khi các triệu chứng được biểu hiện. Một người chỉ có thể truyền bệnh Ebola cho người khác sau khi họ phát triển các dấu hiệu và triệu chứng của Ebola. Ngoài ra, virus Ebola không được truyền qua thực phẩm. Tuy nhiên, ở một số nơi trên thế giới, virus Ebola có thể lây lan qua việc xử lý và tiêu thụ thịt động vật hoang dã hoặc săn bắt động vật hoang dã bị nhiễm Ebola. Không có bằng chứng cho thấy muỗi hoặc côn trùng khác có thể truyền virus Ebola.
Trong thời gian xảy ra dịch Ebola bùng phát , virus có thể lây lan nhanh chóng trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe (như phòng khám hoặc bệnh viện). Bác sĩ lâm sàng và nhân viên y tế khác cung cấp dịch vụ chăm sóc nên sử dụng thiết bị y tế chuyên dụng, tốt nhất là dùng một lần. Làm sạch và thải bỏ đúng cách các dụng cụ như kim và ống tiêm là rất quan trọng. Nếu dụng cụ không dùng một lần, chúng phải được khử trùng trước khi sử dụng lại.
Virus Ebola có thể tồn tại trên các bề mặt khô, như tay nắm cửa và mặt bàn trong vài giờ; trong chất lỏng cơ thể như máu, virus có thể tồn tại đến vài ngày ở nhiệt độ phòng. Làm sạch và khử trùng nên được thực hiện bằng chất khử trùng cấp bệnh viện.
Nguy cơ:
Nhân viên y tế không sử dụng dụng cụ bảo hộ thích hợp trong khi chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh Ebola, người nhà hay bạn bè tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân mắc bệnh Ebola là những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Ebola có thể lây lan khi mọi người tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, Ebola lại gây ra ít nguy cơ cho khách du lịch hoặc công chúng, những người không chăm sóc hay tiếp xúc gần (trong vòng 1 mét) với người bị bệnh Ebola.
Sự tồn tại của virus:
Virus có thể tồn tại trong cơ thể tại các vị trí như khoang trước của mắt, tinh hoàn và não, sau đợt nhiễm trùng cấp tính xảy ra. Đây là những vị trí mà virus và mầm bệnh, như virus Ebola, được bảo vệ khỏi hệ thống miễn dịch của cơ thể, ngay cả khi cơ thể đã khỏi bệnh. Những khu vực này bao gồm tinh hoàn, bên trong mắt, nhau thai và hệ thần kinh trung ương, đặc biệt là dịch não tủy. Liệu virus có thể tồn tại trong các bộ phận cơ thể này hay không và trong bao lâu còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu thời gian virus tồn tại trong các chất dịch cơ thể này trong số những người sống sót sau Ebola.
Nguồn: WHO, CDC, FDA