Triệu chứng viêm não Nhật Bản ở trẻ em thường khó nhận biết, chủ yếu là nôn ói nhiều, quấy khóc, co cứng người. “Viêm não Nhật Bản diễn tiến rất nhanh, có thể sau 3 ngày, thậm chí 1 ngày, bệnh nhân đã có biểu hiện co giật, rơi vào hôn mê, phải thở máy, có thể chỉ 1-2 ngày là trẻ tử vong.”
Viêm não Nhật Bản ở trẻ em là bệnh vô cùng nguy. Vậy nguyên nhân gây bệnh và triệu chứng sớm nhận biết sớm trẻ mắc bệnh viêm não Nhật Bản là gì?
1. Nguyên nhân gây bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em
Nguyên nhân viêm não Nhật Bản chủ yếu là do một loài vi rút thuộc nhóm flavivirus gây ra, có thể ảnh hưởng đến cả người và động vật. Vi rút gây bệnh được truyền từ động vật sang người thông qua vết muỗi đốt. Loài động vật mang mầm bệnh viêm não Nhật Bản thường là lợn và chim hoang dã. Muỗi sẽ bị nhiễm vi rút sau khi hút máu từ các loài động vật bị bệnh.
Ở nước ta, loài muỗi truyền bệnh này xuất hiện đa số ở miền Bắc, tăng nhiều vào những tháng thuộc mùa nóng. Ban ngày, chúng thường nấp trong các bụi cây ngoài vườn quanh nhà, đêm bay vào nhà đốt người, thường vào thời điểm mặt trời mọc hoặc hoàng hôn từ 18h đến 22h. Muỗi thích đẻ trứng trong ruộng lúa, kênh mương gần nơi sinh sống.
Bệnh viêm não Nhật Bản không có khả năng lây trực tiếp từ người sang người. Trong sinh hoạt hàng ngày, ăn uống chung, dùng chung đồ dùng hoặc tiếp xúc gần gũi với người thân mắc bệnh cũng không làm lây nhiễm bệnh.
2. Những triệu chứng sớm cảnh báo sớm viêm náo Nhật Bản ở trẻ em
Dấu hiệu, triệu chứng viêm não Nhật Bản thường khá nguy hiểm do khả năng gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong cao. Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng đầu tiên nhận thấy là sốt cao đến 39 - 40 độ C, kèm theo các cơn đau đầu, cảm giác buồn nôn và nôn. Sau đó, viêm não Nhật Bản dẫn đến dấu hiệu co giật, co cứng cơ và lú lẫn.
Triệu chứng điển hình trong giai đoạn toàn phát là các dấu hiệu rối loạn ở não, màng não và hệ thần kinh thực vật. Bên cạnh đó, bệnh nhân có biểu hiện rối loạn vận động, thể hiện chủ yếu trên khuôn mặt, bao gồm co cứng cơ mặt, cơn quay mắt quay đầu, co giật bất thường, liệt nửa người, mất khả năng ngôn ngữ.
Các triệu chứng viêm não Nhật Bản ở hệ thần kinh thực vật thường biểu hiện rất đa dạng nhưng lại tương đối nặng nề, như thân nhiệt dao động, da xanh tái, tăng tiết đờm dãi, tim đập nhanh, chướng bụng, nôn ói, bí tiểu, đi cầu khó, rối loạn hô hấp hay thậm chí ngừng thở đột ngột. Các triệu chứng về tâm thần chủ yếu là rối loạn ý thức với các mức độ khác nhau, từ u ám, ngủ gà, li bì cho đến hôn mê sâu.
Đối với trẻ nhỏ, những triệu chứng viêm não Nhật Bản thường không điển hình và khó phát hiện hơn. Thăm khám xác định dấu hiệu lâm sàng thường dựa vào một số triệu chứng quan trọng như là nôn ói nhiều, rối loạn nhịp thở, gồng cứng người, quấy khóc không thể dỗ nín hoặc trẻ khóc nhiều hơn mỗi khi được bế hoặc thay đổi tư thế.
3. Nguy cơ trẻ em mắc viêm não Nhật Bản
Nguy cơ bùng phát dịch bệnh viêm não Nhật Bản hàng năm thường cao nhất là trong và sau mùa mưa. Đối với bệnh này, mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch đặc hiệu với vi rút gây bệnh. Tuy nhiên, đối tượng mắc bệnh thường là trẻ em dưới 15 tuổi. Hiện dịch bệnh viêm não Nhật Bản đã lưu hành ở nhiều nơi trên thế giới. Trong đó, Việt Nam có tỷ lệ mắc bệnh chủ yếu ở nhóm trẻ nhỏ từ 5 - 9 tuổi.
Người lớn cũng có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh nếu chưa từng được tiêm ngừa, đặc biệt là các đối tượng thường đi du lịch, đi công tác, hợp tác lao động ở những vùng bệnh viêm não Nhật Bản đang lưu hành. Người mắc bệnh nếu không được chẩn đoán phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, khả năng cao sẽ dẫn đến tử vong sau nhiều ngày bùng phát triệu chứng viêm não Nhật Bản. Cụ thể, tỷ lệ tử vong thường là khoảng 30%. Nếu bệnh nhân may mắn giữ được tính mạng thì cũng có khoảng 1/3 số trường hợp sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề về thần kinh, chẳng hạn như liệt, chậm phát triển tâm thần, co giật, động kinh. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể bị mất khả năng ngôn ngữ hoặc thậm chí không thể nói được, suy giảm trí nhớ, cử động bất thường ngoài ý muốn như run rẩy, uốn éo cơ thể, gồng cứng người.
Cách phòng chông bệnh viêm não Nhật Bản theo khuyến cáo của Bộ Y Tế
Hiện tại chưa có thuốc điều trị bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ, do đó việc phòng bệnh đóng vai trò quan trọng. Theo khuyến cáo của Bộ Y Tế, để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp sau đây:
- Vệ sinh môi trường sạch sẽ, định kỳ dọn dẹp nhà ở, làm sạch chuồng gia súc để hạn chế nơi trú đậu của muỗi. Nếu có thể, nên dời chuồng gia súc ra xa nhà, xa nơi vui chơi sinh hoạt của trẻ em, loại bỏ các ổ bọ gậy, bãi nước tồn đọng
- Nên cho trẻ ngủ mùng để tránh muỗi đốt, thường xuyên sử dụng các biện pháp để phòng chống và tiêu diệt muỗi trong các hộ gia đình.
- Thực hiện tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch. Việc tiêm chủng vắc xin được áp dụng cho người lớn và trẻ em đủ tuổi (từ 12 tháng tuổi trở lên).
- Tiêm chủng cần đảm bảo 3 liều cơ bản: Mũi đầu tiên khi trẻ vừa đủ tuổi, mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất từ 1-2 tuần, mũi thứ 3 tiêm sau mũi 2 một năm. Sau đó, cần cho trẻ tiêm nhắc lại mỗi ba năm một lần cho đến 15 tuổi.
Khi đã mắc bệnh, việc điều trị chủ yếu chỉ tập trung vào việc giảm triệu chứng viêm não Nhật Bản. Chủ động cho trẻ tiêm vắc xin và tuân thủ theo lịch tiêm phòng viêm não Nhật Bản theo khuyến cáo là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất.