Danh sách chuyên khoa

Danh sách dịch vụ

Suy dinh dưỡng ở trẻ, các thể suy dinh dưỡng do thiếu protein

Suy dinh dưỡng protein năng lượng là loại thiếu dinh dưỡng quan trọng, khó có bệnh nào có thể so sánh được về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Các thể bệnh suy dinh dưỡng protein năng lượng đều có liên quan tới khẩu phần ăn thiếu protein và thiếu năng lượng ở các mức độ khác nhau.

1. Suy dinh dưỡng được biểu hiện như thế nào?

Suy dinh dưỡng là thuật ngữ chuyên ngành chỉ tình trạng bệnh lý gây ra bởi sự cung cấp không đủ hay không cân đối của các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn cho cơ thể.

Suy dinh dưỡng do thiếu protein - năng lượng là một tình trạng bệnh lý xảy ra khi chế độ ăn nghèo protein và năng lượng lâu dài, dẫn đến sự chậm phát triển về thể chất cũng như tinh thần của trẻ.

Suy dinh dưỡng hiện nay đang là vấn đề sức khỏe quan trọng và phổ biến nhất của trẻ em trong các nước đang phát triển như ở nước ta hiện nay. WHO (2009) ước tính có 27% trẻ dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển bị suy dinh dưỡng. Việt Nam (2013) tỷ lệ suy dinh dưỡng 15,3% nhẹ cân, 25,9% thấp còi và gầy còm là 6,6%.

Mặc dù gọi là suy dinh dưỡng protein năng lượng nhưng đây không chỉ là tình trạng thiếu hụt protein và năng lượng mà thường thiếu hết hợp nhiều chất dinh dưỡng khác, đặc biệt là các vi chất dinh dưỡng. Bệnh này phổ biến ở trẻ nhỏ, nhưng cũng có thể thấy ở trẻ lớn hơn như tuổi vị thành niên và ở cả người lớn, nhất là ở phụ nữ tuổi sinh đẻ.

Trẻ bị suy dinh dưỡng có biểu hiện chậm phát triển thể lực và trí tuệ: Trẻ quá thấp, quá gầy so với tuổi, thể lực yếu, học kém. Hậu quả của suy dinh dưỡng thường không thể khắc phục được, với trẻ nhỏ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự tăng trưởng, khi lớn lên sẽ ảnh hưởng đến khả năng học tập và lao động. Suy dinh dưỡng có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào, tuy nhiên, suy dinh dưỡng có thể phòng tránh được.

Suy dinh dưỡng protein năng lượng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Theo WHO (9/1980) mỗi năm tại các nước thuộc thế giới thứ ba, có 10,4 triệu trẻ em dưới 11 tháng tuổi và 4,4 triệu trẻ em từ 1-4 tuổi bị tử vong mà 57% là do suy dinh dưỡng protein năng lượng (43% là do bệnh nhiễm trùng mà chủ yếu là ỉa chảy, nghĩa là cứ mỗi phút có 25 trẻ dưới 5 tuổi bị chết do suy dinh dưỡng.

2. Nguyên nhân khiến trẻ bị suy dinh dưỡng

2.1.Nguyên nhân gây ra suy dinh dưỡng protein năng lượng

Nguyên nhân trực tiếp

  • Do sự thiếu kiến thức về dinh dưỡng:

Trước tiên phải kể đến là thiếu ăn về số lượng hoặc chất lượng và mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Trẻ em trước tuổi học đường là đối tượng bị suy dinh dưỡng cao nhất bởi vì cơ thể ở giai đoạn phát triển nhanh, nhu cầu dinh dưỡng cao và do không được ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng.

Nuôi con bằng sữa mẹ không đúng cách và cho ăn bổ sung không hợp lý đóng vai trò quan trọng đối với suy dinh dưỡng. Không cho trẻ bú sớm sau khi sinh, không cho trẻ bú sữa non, không cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cai sữa sớm, không tận dụng nguồn sữa mẹ, cho trẻ bú bình, cho trẻ ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn, thức ăn bổ sung không đủ chất dinh dưỡng, số lượng thức ăn bổ sung không đủ theo độ tuổi là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến suy dinh dưỡng.

  • Do nhiễm trùng:

Nhiễm khuẩn dễ đưa đến suy dinh dưỡng do rối loạn tiêu hóa, và ngược lại suy dinh dưỡng dễ dẫn tới nhiễm khuẩn do đề kháng giảm. Do đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng có thể dao động theo mùa và thường cao trong các mùa các bệnh nhiễm khuẩn lưu hành ở mức cao ( tiêu chảy, viêm hô hấp, sốt rét...)

Trong những năm tháng đầu tiên sau khi ra đời, những trẻ đã bị kém phát triển trong thời kỳ bào thai ( suy dinh dưỡng bào thai) có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng cao. Tình trạng kém phát triển của trẻ biểu hiện qua cân nặng theo tuổi và chiều cao, xảy ra trong khoảng thời gian tương đối ngắn, từ khi mới sinh ra đến khi trẻ được 2 năm.

Nguyên nhân sâu xa

Do sự bất cập trong dịch vụ chăm sóc bà mẹ, trẻ em, các vấn đề về nước sạch, vệ sinh môi trường và tình trạng nhà ở không đảm bảo, mất vệ sinh.

Nguyên nhân gốc rễ

Là tình trạng đói nghèo, lạc hậu về các mặt phát triển nói chung bao gồm sự mất bình đẳng về kinh tế.

2.2 Các bệnh thường đi kèm

Thông thường suy dinh dưỡng đi kèm với tình trạng thiếu các vi chất dinh dưỡng khác, dù có hay không có biểu hiện lâm sàng như thiếu vitamin A, axit folic, sắt...Với các mức độ thay đổi theo từng vùng địa phương khác nhau. Một số các vi chất dinh dưỡng trong số đó cũng đang được xem xét gây ra quá trình chậm lớn, chậm phát triển của cơ thể như i-ốt, sắt và kẽm.

Như vậy, suy dinh dưỡng protein năng lượng thực chất là tình trạng bệnh lý do thiếu nhiều chất dinh dưỡng hơn là thiếu protein và năng lượng đơn thuần.

Giai đoạn từ khi sinh ra đến khi 2 tuổi là giai đoạn cửa sổ quan trọng để trẻ có thể phát triển và tăng trưởng tối ưu về cả thể chất và hàng vi. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng đây là thời điểm xuất hiện sự suy giảm về tăng trưởng, thiếu các vi chất quan trọng và tăng các bệnh nhiễm khuẩn thông thường như tiêu chảy, viêm đường hô hấp. Sau khi trẻ qua tuổi thứ 2 thì rất khó có thể biến chuyển được tình trạng thấp còi đã xảy ra trước đó.

Thực hành nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung còn kém, cùng với các bệnh nhiễm khuẩn là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy dinh dưỡng trẻ em trong 2 năm đầu đời. Vì vậy, nuôi dưỡng trẻ nhỏ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe và sự sống của trẻ. WHO và UNICEF khuyến nghị rằng trẻ em cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và sau đó được ăn bổ sung đầy đủ hợp lý cùng với bú mẹ kéo dài cho tới 2 tuổi và hơn thế.

3. Phân loại suy dinh dưỡng

3.1.Phân loại theo lâm sàng

Đây là cách phân loại khá kinh điển, gồm các thể thiếu dinh dưỡng nặng sau:

  • Suy dinh dưỡng thể teo đét (Marasmus): Hay gặp trên lâm sàng.

Đây là thể thiếu dinh dưỡng rất nặng, do chế độ ăn thiếu cả năng lượng lẫn protein. Suy dinh dưỡng thể teo đét có thể xảy ra ngay trong năm đầu tiên, điều này khác với suy dinh dưỡng thể phù ( Kwashiorkor) - chủ yếu xảy ra ở trẻ nhóm tuổi 1-3 tuổi. Cai sữa quá sớm hoặc thức ăn bổ sung không hợp lý là nguyên nhân phổ biến dẫn tới thể suy dinh dưỡng teo đét. Khi đó, trẻ rơi vào tình trạng kém ăn, các bệnh nhiễm khuẩn thường gắn liền với vòng luẩn quẩn đó là tiêu chảy và viêm đường hô hấp.

Khi đã ở thể này tức là các bé trông đã rất gầy, bé chỉ đạt 60% so với cân nặng tiêu chuẩn, cơ thể mất nước, gầy gò, ốm yếu, da bọc xương nhăn nheo như người già.

  • Suy dinh dưỡng thể phù ( Kwashiorkor): thể này ít gặp hơn với thể teo đét.

Bệnh thường gặp ở trẻ trên 1 tuổi, nhiều nhất là giai đoạn từ 1 đến 3 tuổi. Hiếm khi gặp ở người lớn, nhưng vẫn có thể gặp khi xảy ra nạn đói nặng nề, nhất là đối với phụ nữ. Thường là do chế độ ăn quá nghèo về protein và glucid tạm đủ hoặc thiếu nhẹ ( nhất là đối với chế độ ăn sam chủ yếu dựa vào khoai sắn). Suy dinh dưỡng thể Kwashiorkor thường kèm theo tình trạng nhiễm khuẩn từ vừa đến nặng. Tình trạng thiếu các vi chất dinh dưỡng như thiếu vitamin A, thiếu máu do thiếu sắt nặng thường biểu hiện khá rõ rệt ở những đứa trẻ bị Kwashiorkor.

Một số trẻ bụ bẫm vẫn có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Cụ thể là bị sưng phù toàn thân, da trắng bệch, cơ mềm, cân nặng chỉ đạt khoảng 60-80% so với tiêu chuẩn. Tóc bị thưa, mềm, dễ gãy, ăn ít, bụng bị chướng to. Trên da có biểu hiện xuất hiện những đốm nhỏ đỏ li ti khắp cơ thể, dần bị đổi màu và bong tróc, rỉ nước, dễ dàng bị nhiễm trùng và lở loét.

Ngoài ra, theo phân loại lâm sàng còn có thể trung gian (Marasmic-Kwashiorkor), thể này thường gặp hơn nhiều so với hai thể trên với mức độ bệnh nhẹ hơn. Ở giai đoạn này trẻ chỉ đạt mức cân nặng 60%, tuy bị teo cơ nhưng có thể có biểu hiện phù, biếng ăn, rối loạn tiêu hóa, chân tay teo cơ, bụng bị phình to. Hay có thể trẻ trước đây đã thuộc diện bị suy dinh dưỡng thể phù, được điều trị nhưng chưa dứt điểm.

3.2.Phân loại suy dinh dưỡng trên cộng đồng

Để xác định tình trạng suy dinh dưỡng, chủ yếu người ta dựa vào các chỉ tiêu nhân trắc (cân nặng theo tuổi, chiều cao theo tuổi và cân nặng theo chiều cao).

Từ năm 2006 chuẩn tham khảo của WHO ( WHO 2006) được khuyến cáo sử dụng và cho tới nay, đây là thang phân loại được chấp nhận rộng rãi trên thế giới.

Dựa trên cân nặng, chiều cao của trẻ và so sánh với quần thể chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới năm 2006, người ta chia suy dinh dưỡng thành 3 thể:

  • Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân: Cân nặng thấp hơn so với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi và giới ( sử dụng điểm ngưỡng cân nặng theo tuổi dưới-2SD). Khi trẻ bị suy dinh dưỡng thể này, biểu hiện là biếng ăn, ăn ít, vẻ ngoài gầy gò do khó hấp thu dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Có trường hợp mẹ chăm chút nhưng vẫn không tăng cân đều được. Nguyên nhân là do hệ tiêu hóa của trẻ kém, không hiệu quả, có thể do trước đây tập ăn dặm sớm, làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa sau này, hay do bé bị bệnh, nhiễm giun...
  • Suy dinh dưỡng thể thấp còi: Là giảm mức độ tăng trưởng của cơ thể, biểu hiện của suy dinh dưỡng mạn tính, có thể bắt đầu sớm từ suy dinh dưỡng bào thai do mẹ bị thiếu dinh dưỡng. Được xác định khi chiều cao thấp hơn với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi và giới. Ở thể này các mẹ để ý trẻ chậm phát triển chiều cao so với bạn bè, chiều cao chỉ đạt dưới 90% so với mức tiêu chuẩn. Trung bình, chiều cao của trẻ khỏe mạnh lúc sinh ở mức khoảng 50cm, trong 3 tháng đầu , mỗi tháng trẻ sẽ tăng thêm 3cm, và trung bình khoảng 2cm các tháng tiếp theo.
  • Suy dinh dưỡng thể gầy còm: Là hiện tượng cơ và mỡ cơ thể bị teo đi, được coi là suy dinh dưỡng cấp tính vì thường biểu hiện trong thời gian ngắn. Được xác định khi cân nặng theo chiều cao dưới -2SD.

Trên đây là các thể suy dinh dưỡng do thiếu protein năng lượng ở trẻ và biểu hiện các mẹ cần biết để có thể dễ dàng phát hiện trẻ đang trong tình trạng suy dinh dưỡng nào, giúp các mẹ có biện pháp phòng tránh hiệu quả, đem lại sức khỏe tốt nhất cho trẻ. Khi có nghi ngờ trẻ bị suy dinh dưỡng, các cha mẹ nên cho trẻ đi khám và thực hiện đo chiều cao-cân nặng của trẻ để phản ảnh lên biểu đồ tăng trưởng cung cấp các thông tin cần thiết cho bác sĩ khi thăm khám.

Phòng khám đa khoa Biển Việt là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,....Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Khách hàng có thể trực tiếp đến Phòng khám đa khoa Biển Việt  để thăm khám hoặc liên hệ hotline 02435420311/ 0812217575/ 0912075641 để được hỗ trợ

Suy dinh dưỡng ở trẻ, các thể suy dinh dưỡng do thiếu protein
Hotline0812217575
icon chat