Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra và rất dễ lấy qua đường hô hấp, có khả năng cao trở thành dịch bệnh.
Trẻ mắc bệnh sởi sẽ bị phát ban toàn thân và có triệu chứng giống như cúm. Bệnh sởi nếu không điều trị kịp thời, đúng cách sẽ rất dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm đối với trẻ nhỏ, đã không ít ca đã tử vong. Vì vậy, các bậc cha mẹ không được chủ quan, xem thường bệnh sởi ở trẻ em.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 3 tháng đầu năm nay, số ca mắc sởi trên toàn thế giới đã tăng 300% so với cùng kỳ năm 2018 và đây được xem là một thảm họa mang tính lịch sử kể từ khi một bác sỹ người Ba Tư định danh được căn bệnh này vào thế kỷ thứ 9 sau Công nguyên.
Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn nguồn từ WHO cho biết tính đến hết tháng 3, cơ quan này đã nhận được báo cáo từ 172 quốc gia về 112.163 ca nhiễm sởi trên toàn thế giới, cao hơn hẳn so với con số 28.123 ca của cùng kỳ năm 2018.
Đặc biệt, số ca mắc sởi tại châu Phi trong 3 tháng đầu năm 2019 tăng tới 700% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng tại Madagascar - một trong những nước nghèo nhất Lục địa Đen, từ tháng 10/2018 đến tháng 3/2019, tổng cộng đã có gần 67.000 ca mắc bệnh sởi và hơn 920 trường hợp tử vong.
(baomoi.com)
Bệnh sởi ở trẻ em
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ gây dịch, lây qua đường không khí do virus sởi gây nên. Bệnh sởi là bệnh mà ai cũng có thể mắc phải không chỉ riêng trẻ em.
Virus sởi là virus thuộc họ Paramyxoviridae, dạng hình cầu, đường kính 120 – 250nm, sức chịu đựng yếu, dễ bị diệt với các thuốc khử trùng thông thường hoặc ánh sáng mặt trời, sức nóng, … có nhiệt độ khoảng 56 độ C.
Triệu chứng đặc trưng của bệnh sởi là phát ban và thường khởi phát từ 7 – 14 ngày sau khi nhiễm virus. Bệnh sởi kéo dài từ 4 – 10 ngày.
Bệnh sởi là một trong những bệnh dễ lây lan và gây tử vong cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, trẻ có thể được phòng ngừa sởi dễ dàng bằng việc tiêm vắc xin sởi định kỳ.
Dấu hiệu nhận biết bệnh sởi ở trẻ em
Khi trẻ bị nhiễm virus sởi, ở từng giai đoạn, bệnh sẽ có những biểu hiện tương ứng.
1. Bệnh sởi ở trẻ em - Giai đoạn ủ bệnh: Bệnh sởi trong giai đoạn ủ bệnh từ 7 – 21 ngày, trung bình 10 ngày.
2. Bệnh sởi ở trẻ em - Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long): Ở giai đoạn này, trẻ thường có hội chứng nhiễm khuẩn, sốt từ 38.50 C – 400 C. Trẻ dễ quấy khóc, hắt hơi, sổ mũi, ho khan, người lả đi. Bên cạnh đó, trẻ còn một số biểu hiện sau:
- Khi ăn trẻ dễ bị nôn, trớ.
- Trẻ bị tiêu tiểu.
- Trẻ có hiện tượng xuất tiết niêm mạc.
- Mắt của trẻ có hiện tượng đỏ, phù mí, cháy nước mắt và rất sợ ánh sáng.
- Trên mặt trẻ bắt đầu nổi hồng ban li ti, chấm trắng nhỏ.
3. Bệnh sởi ở trẻ em – Giai đoạn toàn phát: Giai đoạn này thường kéo dài từ 2 – 5 ngày. Trẻ sốt cao 39 – 40°C không hạ, kèm theo mê sảng, co giật và phát ban rầm rộ. Tại vị trí các ban lúc này có màu đỏ hoặc đỏ tía, cảm giác rát sần, xuất hiện thành từng mảng hình bầu dục, khi ấn nhẹ các ban có thể chìm đi, sau đó lại nổi lên. Ở giai đoạn này, thứ tự ban mọc như sau:
- Ngày thứ nhất: Ban xuất hiện ở chân tóc, sau tai, sau gáy, trán, má đầu, mặt, cổ.
- Ngày thứ hai: Ban lan xuống ngực lưng và hai tay.
- Ngày thứ ba: Ban lan dần xuống bụng và hai chân.
Ban sởi tồn tại 2 – 3 ngày rồi lặn theo trình tự đã mọc, để lại trên da những vết thâm, vằn thô ráp. Khi ban lặn, các dấu hiệu lâm sàng khác cũng giảm dần. Thực tế, bạn không nên chủ quan, khi trẻ mắc sởi cần nhanh chóng đưa tới gặp bác sĩ ngay vì nhiều trường hợp nếu không được chữa trị sớm, bệnh sẽ tiến triển nặng và dễ gặp biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong.
4. Bệnh sởi ở trẻ em – Giai đoạn hồi phục: Ban sởi tồn tại 2 – 3 ngày rồi lặn theo trình tự đã mọc, ban nhạt chuyển sang màu xám, bong vẩy, để lại trên da những vết thâm, vằn thô ráp.
Cách điều trị bệnh sởi ở trẻ em
Bệnh sởi hiện nay chưa có thuốc đặc trị, việc điều trị chủ yếu là nhằm điều trị triệu chứng bệnh.
Khi trẻ có các triệu chứng về bệnh sởi, cha mẹ cần phải đưa trẻ đến gặp bác sĩ để có phác đồ chữa trị cho phù hợp. Phác đồ điều trị bệnh sởi ở trẻ em chủ yếu là:
- Hạ sốt: Có thể áp dụng các phương pháp hạ sốt vật lý như lau mát hoặc sử dụng thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol
- Thuốc ho, long đờm
- Cho trẻ dùng thuốc kháng histamine như loratadin, diphenhydramin…
- Kem bôi ngoài da trị sởi
- Sát trùng mũi họng: Nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng dung dịch sát khuẩn…
- Kháng sinh hoặc corticoid chỉ dùng khi có bội nhiễm và trường hợp biến chứng nặng như viêm thanh quản, viêm não, sởi ác tính… và phải tuân thủ theo liều lượng mà bác sĩ chỉ định.
- Các biện pháp hồi sức tùy theo triệu chứng của bệnh nhân: Hồi sức hô hấp khi có suy hô hấp (thở oxy, hô hấp hỗ trợ…), hồi sức tim mạch…
Cách chăm sóc và phòng tránh bệnh sởi ở trẻ em
- Phương pháo phòng tránh bệnh sởi đơn giản và hiệu quả nhất là bạn nên cho trẻ tiêm phòng 2 mũi cho trẻ độ tuổi tiêm chủng, mũi 1 từ 9 – 12 tháng tuổi, mũi 2 từ 18 – 24 tháng.
- Khi có dich lây lan, cần phải cách ly trẻ khỏi nguồn bệnh. Nếu như trẻ bị nhiễm bệnh, bạn nên hạn chế cho trẻ đến chỗ đông người nhằm tránh sự lây lan bệnh.
- Tăng cường vệ sinh các nhân, sát trùng mũi họng, giữ ấm, nâng cao thể trạng.
- Đối với trẻ bị bệnh, bố mẹ nên giữ gìn vệ sinh thân thể, tránh gió lùa, ánh sáng mạnh, phòng của trẻ luôn được giữ sạch sẽ, thông thoáng.
- Trẻ và người chăm sóc cần cắt móng tay để tránh làm các vị trí phát ban bị tổn thương, khiến virus gây bệnh lây lan sang các vùng da lành.
- Sử dụng khẩu trang N95 cho người bệnh, người chăm sóc, nhân viên y tế
- Thời gian cách ly từ lúc nghi ngờ sởi đến ít nhất sau khi phát ban 4 ngày.
- Bạn nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mát, đầy đủ dưỡng chất. Vì lúc này trẻ mệt và biếng ăn, bạn nên chia nhỏ thành nhiều bữa.
- Khử khuẩn, vệ sinh đồ chơi… và nên cho trẻ mặc đồ rộng, mềm.
Hy vọng rằng bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn đọc các thông tin hữu ích về bệnh sởi . Nếu như gặp phải các triệu chứng trên thì tốt nhất là các bạn nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Tránh sử dụng thuốc bừa bãi không theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Để được tư vấn kỹ hơn về bệnh sởi ở trẻ em, vui lòng liên hệ các bác sĩ chuyên khoa nhi tại Phòng khám đa khoa Biển Việt.