Danh sách chuyên khoa

Danh sách dịch vụ

Bệnh sốt xuất huyết cách nhận biết và điều trị

Bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng ngừa. Phát hiện sớm và tiếp cận biện pháp chăm sóc y tế kịp thời là “chìa khóa” giúp giảm thiểu tỉ lệ tử vong ở người bệnh.

Hiện nay, tại nước ta tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát trở lại tại một số tỉnh. Khá đông bệnh nhân chủ quan không đi khám mà tự điều trị tại nhà dẫn đến bệnh chuyển nặng. Bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm không? Cách nhận biết và điều trị bệnh sốt xuất huyết?

Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dengue. Nguyên nhân gây ra lây lan do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người mang bệnh sang người khỏe mạnh.

Virus dengue xâm nhập vào cơ thể người thông qua vết muỗi đốt từ những muỗi cái mang mầm bệnh. Sau thời gian ủ bệnh, muỗi mang virus có thể lây lan virus cho người trong suốt quãng đời còn lại của nó. Bệnh sốt xuất huyết đôi khi có thể gây đau nhức trầm trọng ở phần cơ khớp người bệnh.

Loài muỗi vằn aedes aegypti sống chủ yếu ở các vũng nước đọng nhân tạo như bể chứa lâu ngày, chậu cây thủy sinh, nước đọng trong lốp xe… Không giống như loài ae. aegypti, muỗi aedes aegypti hút máu vào ban ngày.

Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, thường bùng phát thành dịch vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn.

Người bị sốt xuất huyết ở giai đoạn nhẹ sẽ có triệu chứng gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp, rối loạn đông máu, suy đa tạng, ... Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dễ dẫn đến dễ dẫn đến sốt xuất huyết dạng nặng, có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong.

Các triệu chứng nhận biết bệnh sốt xuất huyết

1. Giai đoạn khởi phát (giai đoạn đầu)

Giai đoạn khởi phát: Triệu chứng điển hình ở giai đoạn này là sốt. Thân nhiệt người bệnh tăng nhanh lên 39-40 độ C kèm theo các biểu hiện mệt mỏi, đau khớp, đau đầu, chán ăn, nôn, buồn nôn, nhức đầu, đau hốc mắt, mệt mỏi, đau nhức khắp các cơ và khớp.

Cơn sốt liên tục, kéo dài khoảng 2-7 ngày, sốt cao và có thể kèm co giật ở trẻ em. Bên cạnh đó một số trường có biểu hiện sốt 2 pha: sốt 1-2 ngày đầu, ngưng sốt 3-4 ngày, sốt trở lại ngày thứ 5-6.

Các ban sốt xuất huyết có thể xuất hiện trên cơ thể 3-4 ngày sau khi bắt đầu sốt và sau đó thuyên giảm sau 1-2 ngày. Bạn có thể bị nổi ban lại một lần nữa vào ngày sau đó.

Sau khi bị sốt 2-3 ngày, người bệnh có thể xuất huyết dưới da (ban đỏ dạng chấm, mảng bầm tím), niêm mạc (chảy máu cam, chảy máu chân răng) và nội tạng (xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, chảy máu phổi, chảy máu trong cơ, nếu không được điều trị kịp thời thì tình trang này có thể dẫn đến tử vong.

Chúng ta có thể dùng 2 ngón tay căng vùng da phát ban để phân biệt sốt xuất huyết với các loại bệnh khác. Nếu thấy chấm đỏ mất đi, buông tay ra thì chấm đỏ hồi phục ngay, là sốt phát ban. Còn nếu vẫn thấy chấm li ti hoặc sau 2 giây màu đỏ mới xuất hiện lại, là sốt xuất huyết.

Xét nghiệm trong giai đoạn này:

  • Xét nghiệm Dengue NS1 (+)
  • Hematocrit bình thường.
  • Số lượng tiểu cầu bình thường hoặc giảm dần (nhưng còn trên 100.000/mm3).
  • Số lượng bạch cầu thường giảm.

2. Giai đoạn nguy cấp bệnh sốt xuất huyết (nguy hiểm)

Giai đoạn nguy cấp: Người bệnh rơi vào giai đoạn này khi bệnh đã diễn tiến từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6. Lúc này virus đã làm suy yếu hệ miễn dịch, số lượng bạch cầu, tiểu cầu giảm đáng kể…

Ngoài ra, ở giai đoạn này, người bệnh còn có các dấu hiệu bệnh điển hình như:

  • Xuất huyết dưới da: Nốt xuất huyết hoặc mảng xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn.
  • Xuất huyết ở niêm mạc: Chảy máu mũi, lợi, tiểu ra máu. Kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn.
  • Xuất huyết nội tạng như tiêu hóa, phổi, não với biểu hiện nôn ra máu, đi tiểu ra máu, ho ra máu, ra máu âm đạo bất thường, rong kinh....

Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không sốc.

Các xét nghiệm:

  • Hematocrit tăng biểu hiện của thoát dịch khỏi lòng mạch, máu cô.
  • Số lượng tiểu cầu giảm dưới 100.000/mm3 (<100 G/L).
  • Men gan tăng
  • Trong trường hợp nặng có thể có rối loạn đông máu.
  • Siêu âm hoặc X - quang có thể phát hiện tràn dịch màng bụng, màng phổi

3. Giai đoạn phục hồi

Giai đoạn hồi phục: Đây là giai đoạn người bệnh dần hồi phục nếu được chăm sóc và chữa trị kịp thời. Sau 2-3 ngày qua khỏi giai đoạn nguy hiểm, người bệnh  sẽ dấu hiệu điển hình là bắt đầu hạ sốt; có cảm giác thèm ăn, khát nước; số lượng tiểu cầu, bạch cầu tăng lên (khi làm xét nghiệm).

Hầu hết các bệnh nhân sốt xuất huyết có thể điều trị ngoại trú và chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Vậy nên người bệnh cần chú ý những điều sau:

  • Sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, tự theo dõi sát tại nhà, đến bệnh viện làm xét nghiệm theo hẹn.
  • Nếu sốt cao ≥ 39 độ C, uống thuốc hạ sốt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm. Thuốc hạ sốt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10 - 15 mg/kg cân nặng/lần (ví dụ một người 50kg có thể uống 1 viên paracetamol 500mg/lần), mỗi lần uống cách nhau mỗi 4-6 giờ. Tổng liều paracetamol không quá 60mg/kg cân nặng/24h (một người 50kg không uống quá 3000mg/ngày)
  • Tuyệt đối không dùng aspirin (acetyl salicylic acid), analgin, ibuprofen để điều trị vì có thể gây xuất huyết, toan máu.
  • Bù dịch bằng cách uống oresol (pha đúng theo hướng dẫn), nước cam, nước chanh...
  • Nằm màn để tránh bị muỗi đốt làm lây lan dịch bệnh.
  • Nếu có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo (như đã nêu trên) cần đến bệnh viện ngay.

Những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cần phải được bác sĩ tư vấn tại bệnh viện

Các dấu hiệu cảnh báo thường xuất hiện từ ngày thứ ba của bệnh, nếu có bất kỳ một trong những dấu hiệu sau đây người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị tích cực:

  • Vật vã, lừ đừ, li bì, da lạnh, vã mồ hôi, tím tái
  • Đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan: Đau bụng vùng hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị.
  • Nôn nhiều
  • Xuất huyết niêm mạc: chảy máu cam, đái ra máu, nôn ra máu, ra máu âm đạo bất thường, rong kinh...
  • Tiểu ít
  • Xét nghiệm máu:
    • Hematocrit tăng cao.
    • Tiểu cầu giảm nhanh chóng.

Nếu người bệnh có những dấu hiệu cảnh báo trên phải được theo dõi tại bệnh viện.

  • Sốt xuất huyết trên các bệnh nhân có bệnh lý mạn tính như suy gan, suy thân, tăng huyết áp, đái tháo đường, phụ nữ có thai, trẻ em ... cần được theo dõi sát.

Bệnh nhân nghi ngờ nhiễm sốt xuất huyết có thể đến khám, xét nghiệm, điều trị với đội ngũ bác sĩ tại Phòng khám đa khoa Biển Việt.

Bệnh sốt xuất huyết cách nhận biết và điều trị
Hotline0812217575
icon chat