Danh sách chuyên khoa

Danh sách dịch vụ

Bệnh thủy đậu – Các triệu chứng của bệnh và các điều trị

Hàng năm, cứ vào mùa đông xuân từ tháng 2 đến tháng 6 là thời điểm dịch thủy đậu bùng phát và lây lan nhanh chóng.

Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính nhưng vẫn có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu như không được chăm sóc, điều trị kịp thời, đúng cách.

Bệnh thủy đậu là gì? Các triệu chứng của bệnh.

Bệnh thủy đậu là một trong những bệnh truyền nhiễm cả người lớn và trẻ em đều có nguy cơ mắc, nhưng phần lớn bệnh gặp nhiều ở trẻ nhỏ từ 2 - 7 tuổi. Những người có hệ miễn dịch yếu hoặc chưa hoàn thiện.

Bệnh thủy đậu do loại siêu vi mang tên Varicella Zoster Virus (VZV) gây nên.

Siêu vi Varicella Zoster Virus sau khoảng thời gian từ 10 – 15 ngày xâm nhập vào cơ thể, người bệnh bắt đầu có biểu triệu chứng nhiễm thủy đậu. Trẻ nhỏ thường sốt nhẹ, biếng ăn còn người lớn bị sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói.

Sau đó cơ thể người bệnh sẽ bắt đầu nổi mụn nước ở vùng mắt, chi và thân. Mụn nước có đường kính vài milimet. Nếu tình trạng bệnh nặng, mụn nước sẽ có kích thước to hơn khi nhiễm thêm vi trùng mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ.  Và sau khoảng 1-2 ngày mới xuất hiện nốt đậu. Nốt đậu nổi càng nhiều chứng tỏ diễn biến bệnh càng tăng nặng hơn.

Người bệnh sẽ giảm sốt khi các nốt thủy đậu mọc nhiều. Các nốt thủy đậu tổn thương bóng nước và khô dần, rồi tự bong vẩy sau vài ngày. Điều đáng chú ý là vết thủy đậu sẽ để lại sẹo mờ trên da sau vào tuần mới dần hết hẳn. Và thông thường bệnh diễn biến kéo dài khoảng 2 tuần.

Bệnh thủy đậu lây qua những con đường nào?

- Gián tiếp: Bệnh thủy đậu lây lan qua đường hô hấp (do hít phải chất dịch chứa virus khi người bệnh ho, nói chuyện, …).

- Trực tiếp: Qua tiếp xúc với dịch hầu họng hoặc từ mụn nước của bệnh nhân.

Vậy nên, chỉ cần nói chuyện, chơi đùa, với người bị nhiễm thủy đậu, thì khả năng lây nhiễm bệnh là rất cao.

Nguy hiểm hơn, thời gian ủ bệnh khá dài từ 10-15 ngày, nên người bệnh không hề hay biết và âm thầm lây nhiễm bệnh cho người khác.

Các điều trị bệnh thủy đậu

 Hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh mà cách điều trị bệnh thủy đậu tùy thuộc vào sự phát hiện bệnh sớm trong 24 giờ đầu. Trước hết, bạn hãy cho người bệnh đi khám bệnh ngay. Bác sĩ sẽ khám và căn cứ vào tình trạng bệnh, sẽ cho vào viện điều trị nội trú hoặc cấp đơn về điều trị tại nhà, có theo dõi, hẹn ngày tái khám. Không được tự ý dùng thuốc hoặc nghe lời mách bảo của một số người không hiểu biết về y khoa mà dùng thuốc sai lầm. Đã có không ít những người  bị thủy đậu bội nhiễm rất nặng, do đã đắp các loại lá, hoặc rắc các thuốc bột bán trôi nổi tại các góc chợ, trên vỉa hè.

Cách chăm sóc người bệnh thủy đậu

Khi chăm sóc bệnh nhân thủy đậu cần làm sạch da và vệ sinh thân thể: Cho người bệnh nằm nghỉ trong phòng thoáng mát, sạch sẽ, cách ly tại nhà trong suốt thời gian bệnh cho tới khi hoàn toàn khỏi bệnh. Nên cho người bệnh ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa, uống nhiều nước nhất là nước hoa quả.

Chú ý cắt ngắn móng tay và giữ sạch tay. Trẻ nhỏ phải cho mang bao tay, xoa bột tan (talc) vô khuẩn khắp người để trẻ đỡ ngứa. Tránh cọ xát làm các bóng nước bị vỡ và lây lan. Không nên cho trẻ mặc áo quá dày vì dễ cọ sát vỡ mụn.  Thay quần áo và tắm rửa hằng ngày cho người bệnh bằng nước ấm trong phòng tắm. Toàn bộ quần áo phải được giặt hàng ngày bằng xà phòng và ủi trước khi mặc.

- Trường hợp bệnh nhân sốt cao, có thể dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường theo hướng dẫn của thầy thuốc.

- Dùng dung dịch xanh Milan để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ.

- Dùng kháng sinh trong trường hợp nốt rạ bị nhiễm trùng: nốt rạ có mũ, tấy đỏ vùng da xung quanh...

- Nên tránh những quan điểm và việc làm không đúng như:

+ Kiêng gió, kiêng nước, để người bệnh ở trong phòng quá kín, cho mặc quần áo quá dày, không tắm rửa vệ sinh hằng ngày khiến người bệnh ngứa ngáy khó chịu, sẽ gãi gây trầy xước các nốt phỏng nước dễ dẫn đến biến chứng nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu.

+ Sử dụng các loại lá cây… đắp lên nốt rạ của người bệnh.

+ Không được dùng những loại thuốc uống hoặc thuốc bôi ngoài da khi không có chỉ định của thầy thuốc.

+ Dùng thuốc Aspirin để hạ sốt.

Các biến chứng của bệnh thủy đậu

Một số biến chứng của bệnh thủy đậu cần lưu ý:

Nhiễm trùng tại các nốt đậu: Khi nốt đậu bị vỡ hoặc trầy xước, có thể gây viêm tấy, nhiễm khuẩn da gây viêm mủ da, chốc lở thậm chí gây viêm cầu thận cấp... Nếu không chữa trị kịp thời, tổn thương sẽ ăn sâu, lan rộng, để lại nốt sẹo rỗ gây mất thẩm mỹ, nặng hơn còn dẫn đến viêm mô tế bào, nhiễm trùng máu.

Viêm phổi: Biến chứng thường gặp ở người lớn hơn là trẻ em và thường xuất hiện vào ngày thứ 3-5 của bệnh. Biểu hiện sốt cao, thở nhanh, khó thở, tím tái, đau ngực, ho ra máu, đây là biến chứng rất nguy hiểm, bệnh nhân có thể tử vong.

Viêm não: Bệnh thủy đậu có thể gây biến chứng viêm màng não vô khuẩn đến viêm não, thường gặp ở người lớn. Gặp biến chứng này, tỉ lệ tử vong chiếm 5-20%. Ngay cả khi được cứu sống vẫn có thể để lại di chứng nặng nề hoặc phải sống đời thực vật.

Biến chứng với phụ nữ mang thai: Nếu mẹ mắc thủy đậu từ 5 ngày trước đến 2 ngày sau khi sinh, trẻ sinh ra dễ mắc bệnh thủy đậu chu sinh và có tỉ lệ tử vong cao (khoảng 30%).

Nếu mẹ mắc thủy đậu trước sinh trên 1 tuần diễn biến lành tính, khi sinh trẻ có kháng thể nên không nguy hiểm lắm.

Mẹ mắc bệnh thủy đậu khi mang thai dưới 20 tuần sinh con ra sẽ có một tỉ lệ nhỏ (khoảng 2%) bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh với các biểu hiện: sẹo da, nhẹ cân, các bệnh về mắt (đục thủy tinh thể, tổn thương võng mạc...), tay chân ngắn, đầu bé, chậm phát triển tâm thần...

Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu

* Cách ly người bệnh:

- Thời gian cách ly: từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh (phát ban) cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn (người lớn phải nghỉ làm,   học sinh và Sinh Viên  phải nghỉ học trong khoảng thời gian 7 – 10 ngày).

- Để người bệnh ở trong một phòng riêng, có cửa sổ, thoáng mát, có đủ ánh nắng mặt trời.

* Tiêm phòng thủy đậu:

- Để phòng bệnh, biện pháp hữu hiệu nhất là tiêm vaccin phòng ngừa bệnh thủy đậu. Trẻ từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi: tiêm một mũi duy nhất. Trẻ từ 13 tuổi trở lên và người lớn: tiêm 2 mũi, mũi thứ hai cách mũi đầu 4-8 tuần. Phụ nữ trong tuổi sinh đẻ, sau khi tiêm vaccin cần áp dụng ngay một biện pháp tránh thai tin cậy (như dùng bao cao su, uống viên thuốc tránh thai) trong vòng 3 tháng.

Bệnh thủy đậu – Các triệu chứng của bệnh và các điều trị
Hotline0812217575
icon chat