Danh sách chuyên khoa

Danh sách dịch vụ

Cúm A/ H1N1 cách nhận biết và phòng chống bệnh

Cúm A/ H1N1 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp ở người. Cúm A/ H1N1 rất dễ lây lan bùng phát thành dịch, tuy nhiên không ít người đã nhầm lẫn với cúm thông thường. Việc điều trị không kịp thời có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.

1. Cách nhận biết cúm A/H1N1

Virus cúm đã gây nhiều vụ dịch lớn trên thế giới với tỉ lệ tử vong cao. Có 3 tuýp virus cúm là A, B và C, trong đó virus cúm A hay gây đại dịch. Các chủng virus có thể thay đổi hàng năm.

Bệnh cúm A/H1N1 lây truyền từ người sang người, và nhanh chóng bùng phát thành dịch, diễn biến lâm sàng đa dạng, có nhiều trường hợp nặng, tiến triển nhanh, dễ dẫn tới tử vong.

Các triệu chứng của virus cúm A/H1N1 ở người cũng tương tự như các triệu chứng cúm theo mùa và bao gồm:

  • Sốt đột ngột, thường trên 38 độ hoặc có thể cao hơn.
  •  Ho (bệnh nhân thường bị kho khan);
  •  Đau họng;
  • Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi;
  • Mắt đỏ, có hiện tượng chảy nước;
  • Nhức mỏi người;
  • Đau đầu;
  •  Ớn lạnh và mệt mỏi;
  • Đôi khi có thể tiêu chảy;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Nặng hơn sẽ dẫn đến tình trạng khó thở, viêm phổi.

Triệu chứng cúm A/H1N1 rất dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường. Để phân biệt bị cúm A/H1N1 hay nhiễm cúm thông thường, cách tốt nhất là làm xét nghiệm dịch mũi họng. Hãy đến cơ sở y tế uy tín để khám ngay khi bạn có các triệu chứng nghi ngờ kể trên, đặc biệt là khi đang có mùa dịch cúm A/H1N1.

Bệnh liên quan đến virus cúm A/H1N1 có dao động từ nhẹ đến nặng. Hầu hết những người bị bệnh có thể hồi phục mà không cần điều trị thuốc, nhưng cũng đã có trường hợp nhập viện và tử vong. Cũng như cúm theo mùa, những người dễ gặp nguy cơ biến chứng nghiêm trọng do cúm là trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai, và người ở mọi lứa tuổi có các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

2. Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn thường không cần phải đi khám bác sĩ nếu khỏe mạnh và chỉ có những triệu chứng giống như cúm. Tuy nhiên, nếu thuộc nhóm nguy cơ cao, bạn nên gặp bác sĩ khi có các dấu hiệu đầu tiên của bệnh cúm. Hơn nữa, ở các vùng dịch, nếu có bất kỳ triệu chứng liệt kê ở trên, bạn không nên xem thường và cần phải thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Ngoài ra, khi bạn hoặc con bạn sốt cao, khó thở, ói mửa liên tục, hỗn loạn hoặc co giật, bạn nên khẩn trương đến phòng cấp cứu để được chăm sóc y tế.

3. Cúm A/H1N1 lây truyền như thế nào?

Virus cúm A/H1N1 có thể lây truyền từ người sang người theo những con đường sau:

Lây theo đường hô hấp: Qua đường dịch tiết, giọt bắn khi bệnh nhân ho, hắt hơi văng bắn ra ngoài môi trường...

Lây theo đường tiếp xúc: Khi vô tình chạm tay vào các bề mặt các đồ vật thường ngày có chứa virus, sau đó lại chạm vào mắt, mũi, miệng, là nơi vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể.

Cúm A/H1N1 lây truyền từ người sang người là 1 ngày trước khi khởi bệnh và kéo dài 7 ngày sau khi khởi bệnh. Trẻ em có thời gian lây nhiễm dài hơn. Việc dùng chung đồ dùng, ly uống nước, hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh cũng có thể lây nhiễm virus cúm A/H1N1.

Đặc điểm để nhận biết dịch cúm A/H1N1 bao gồm:

  • Tỷ lệ mắc thường cao, dễ lây lan và có thể mau chóng gây đại dịch.
  • Tỷ lệ tử vong thấp (1 - 4%).

Virus cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường, 24 - 48 giờ tại các bề mặt hay tiếp xúc như mặt bàn, mặt ghế, tay vịn cầu thang, nắm đấm cửa, mặt tủ... Trong quần áo tồn tại từ 8 -12 giờ. Có thể duy trì trong lòng bàn tay đến 5 phút. Môi trường nước là môi trường thích hợp cho virus này tồn tại, Đặc biệt, môi trường hồ bơi khách sạn, thời tiết mưa dầm, thiếu nắng... là môi trường thích hợp để chúng hoạt động mạnh hơn.

4. Làm thế nào để phòng tránh cúm A/H1N1?

Cúm A/H1N1 là bệnh rất dễ lây lan với tốc độ nhanh. Vì thế, cần tuân thủ một số biện pháp cơ bản phòng tránh cho bản thân và gia đình như sau:

● Đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng có tính chất diệt khuẩn sau khi đi ra ngoài về, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

● Khi hắt hơi, ho cần dùng khuỷu tay che miệng, mũi, tránh dịch tiết bắn ra xung quanh nhiều.

● Đeo khẩu trang giấy y tế để bảo vệ bản thân, tránh lây bệnh theo đường giọt bắn khi đi ra ngoài và tại nơi có nguy cơ.

● Đảm bảo vệ sinh, thông thoáng gió tại trường học, nhà ở. Vệ sinh bề mặt, lau chùi, bàn ghế, mặt tủ, tay nắm cửa ... thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường.

● Theo dõi sát sức khỏe của bản thân và gia đình, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng ... trong đợt dịch, cần đi khám ngay tại cơ sở y tế để được chẩn đoán bệnh và cách ly. Đeo khẩu trang giấy để tránh lây lan.

● Đối tượng rất dễ mắc bệnh là trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc bệnh mãn tính, người già ... cần tránh tiếp xúc với những người bị bệnh và những người nghi ngờ mắc bệnh.

● Dù là đối tượng nào cũng nên cách ly, tránh tiếp xúc với những người mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh.

● Phòng tránh lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế, người nhà bệnh nhân cần đeo khẩu trang nhằm tránh lây nhiễm chéo, giữ khoảng cách tầm hơn 1-2 m đối với trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc với người bị mắc bệnh.

● Không tự ý sử dụng thuốc khi nghi ngờ bị, đặc biệt là thuốc kháng virus. Hãy đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được làm xét nghiệm và chẩn đoán và điều trị kịp thời.

● Cách tốt nhất để phòng tránh cúm là tiêm vaccine chủng ngừa cúm mỗi năm.

Các gia đình nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi, tiêm nhắc lại để chủ động phòng tránh bệnh dịch.

5. Phải làm gì khi nghi ngờ mắc cúm A/H1N1?

Thực hiện xét nghiệm: Cần làm xét nghiệm để xác định có phải cúm A/H1N1 hay không, nhất là đang trong đợt dịch.

Hãy khám bác sĩ khi có các dấu hiệu sau nghi ngờ bị cúm A/H1N1.

● Đối với trẻ em: Trẻ thở nhanh, cảm giác khó thở. Da xanh, niêm mạc nhợt. Không uống được nước, nôn mửa nhiều lần, hay nôn liên tục. Trẻ ngủ li bì, mệt không chịu chơi. Có thể hết sốt 1 - 2 ngày , đỡ sổ mũi, nhưng sau đấy lại sốt, ho nhiều hơn.

● Đối với người trưởng thành: Khó thở, thở nhanh. Cảm giác đau, chèn ép ngực, bụng. Hay bị choáng. Không tỉnh táo. Nôn, mửa tăng lên nhiều lần, liên tục. Tình trạng dần một nặng lên, ho sốt ngày càng nặng lên.

Cách ly khi bị bệnh: Hãy ở nhà ít nhất là 24 giờ sau khi hết sốt (không sử dụng thuốc giảm sốt). Tránh đám đông, tránh trường học, cách ly với người thân và bạn bè để tránh lây lan virus cúm cho người khác.

Uống thuốc theo chỉ định: Dự trữ thuốc theo đơn của bác sĩ, sử dụng thuốc đúng liều mà bác sĩ đã kê.

Vệ sinh không gian sống: Đối với đồ dùng, quần áo, vải lanh của người bệnh cần rửa sạch, tiệt trùng. Tách riêng đồ dùng của người bệnh để phòng tránh lây lan.

Cúm A/H1N1 là căn bệnh nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của bạn và gia đình. Mặc dù vậy, có thể phòng ngừa bệnh bằng các biện pháp chủ động như luôn giữ cơ thể khỏe mạnh, tránh nhiễm lạnh, tiêm vắc xin phòng cúm đầy đủ, đúng lịch. Hay khi nghi ngờ người thân hay chính mình bị bệnh, hãy mang khẩu trang y tế và đến các cơ sở y tế để được làm xét nghiệm, chẩn đoán bệnh kịp thời.

Tổng đài tư vấn của phòng khám đa khoa Biển Việt: 02435420311/ 0812217575/ 0912075641

Địa chỉ: Số 18, Nhà vườn 1, Tổng cục 5, Bộ công an, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP HN.

Cúm A/ H1N1 cách nhận biết và phòng chống bệnh
Hotline0812217575
icon chat