Danh sách chuyên khoa

Danh sách dịch vụ

Bệnh giang mai – Syphilis

 Những hiểu biết cơ bản về Giang mai

1. Dịch tễ học

Bệnh giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây nên.

Từ cuối thế kỷ 19, Y học đã biết đến sự tiến triển tự nhiên của bệnh Giang mai ở 1400 bệnh nhân không được điều trị do thời điểm đó các bác sĩ cho rằng các biện pháp điều trị rất độc hại và ít có lợi. Đến năm 1905, hai nhà khoa học Hoffman và Schaudinn tìm ra xoắn khuẩn gây bệnh Giang mai. Những năm 1917 – 1941, đã có những nghiên cứu đầy đủ về dịch tễ học, sinh bệnh học và các biểu hiện lâm sàng của bệnh Giang mai.

Theo ước tính của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có trên 35 triệu trường hợp mới mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) trong đó giang mai chiếm 2%). Tại Việt Nam bệnh Giang mai cũng có tỷ lệ mắc tương tự.

2. Đường lây

- Xoắn khuẩn lây truyền qua giao hợp đường âm đạo, hậu môn hoặc đường miệng.

- Xoắn khuẩn giang mai có thể sống ở môi trường ngoài vài giờ do đó bệnh có thể lây gián tiếp qua vật dụng khi tiếp xúc với các vết xước trên da, niêm mạc.

- Bơm kim tiêm không vô khuẩn sẽ lây truyền qua đường máu.

- Phụ nữ mang thai mắc giang mai sau tháng thứ 3 của thai kỳ có thể lây cho con và gây bệnh giang mai bẩm sinh.

3. Biểu hiện lâm sàng Giang mai

Giang mai có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, thậm chí có những giai đoạn mà bệnh nhân không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên khi có những dấu hiệu sau bệnh nhân nên tới khám tại các phòng khám về bệnh lây truyền qua đường tình dục:

+ Săng: là những tổn thương đơn độc, xuất hiện ngay tại nơi xoắn khuẩn xâm nhập vào cơ thể (nên thường ở cơ quan sinh dục, hậu môn, miệng,..). Là vết trợt nông, hình tròn hoặc bầu dục, bề mặt phẳng, màu đỏ tươi. Nền của săng giang mai thường rắn, cứng như tờ bìa, không ngứa, không đau, không mủ và nếu không điều trị gì thì cũng tự khỏi.

Thường xuất hiện khoảng 3-4 tuần sau lây nhiễm.

+ Hạch: Thường xuất hiện hạch viêm phản ứng (thường hạch bẹn).

Hạch chùm và thường có 1 hạch to hơn – hạch chúa.

Tính chất: rắn, không đau, không hoá mủ, không dính, dễ di động.

Thường tự khỏi sau 6-8 tuần làm bệnh nhân tưởng khỏi bệnh

+ Đào ban: Là những vết hồng tươi như cánh đào, bằng phẳng với mặt da, hình bầu dục, số lượng có thể ít hoặc nhiều. Mềm, không thâm nhiễm, không ngứa, không đau

Thường khu trú ở mạng sườn, mặt, lòng bàn tay/chân, mất đi để lại vết nhiễm sắc tố loang lổ.

+ Mảng niêm mạc: vết trợt nông của niêm mạc, không có bờ, bề mặt ướt, đôi khi nổi cao sần sùi, đóng vảy tiết.

+ Viêm hạch lan toả nhiều nhóm hạch.

 + Nhức đầu: Thường xảy ra về ban đêm

+ Rụng tóc: Đào ban vùng đầu hay gây rụng tóc, rụng đều làm tóc thưa dần

+ Có thể gặp sẩn giang mai, củ giang mai, gôm giang mai hay những tổn thương cơ quan bộ phận khác do giang mai: viêm mống mắt, viêm gan, viêm họng khàn tiếng, viêm màng xương (đau nhức cơ đùi về đêm), viêm thận hay các biểu hiện giang mai thần kinh (đau, nhức đầu, tê liệt do viêm tuỷ sống), phình động mạch, hở động mạch chủ,...

4. Chẩn đoán

  • Khai thác tiền sử;
  • Lâm sàng: chẩn đoán bệnh và giai đoạn của bệnh
  • Xét nghiệm:
    • Soi tìm xoắn khuẩn ở các tổn thương
    •  Các phản ứng huyết thanh: Phản ứng không đặc hiệu (RPR, VDRL); các phản ứng đặc hiệu (FTA, TPHA, FTAabs)

​​

5. Điều trị

- Điều trị sớm và đủ liều để khỏi bệnh, không lây lan, phòng tái phát và di chứng.

- Điều trị đồng thời bạn tình.

- Penicillin là thuốc lựa chọn hàng đầu.

Bệnh giang mai – Syphilis
Hotline0812217575