Danh sách chuyên khoa

Danh sách dịch vụ

Ngày Thầy thuốc Việt Nam, tri ân những người làm ngành y thế nào cho đúng?

Nghề thầy thuốc được xem là một trong những nghề đức cao vọng trọng, được người đời tôn kính. Đây cũng là nghề áp lực nhất, bởi lẽ họ không bao giờ được phép phạm phải sai lầm.

Khi nói về một bác sĩ, người ta thường nghĩ rằng đó là một nghề danh giá, có mức thu nhập trong mơ, luôn được người khác coi trọng. Thế nhưng những đắng cay, khổ cực trong nghề có chỉ những người trong cuộc mới hiểu.

Nghề thầy thuốc được coi là nghề danh giá.

Cái nghề phải thức khi người khác được ngủ

Ở bệnh viện, lúc nào cũng có những y bác sĩ thay phiên nhau túc trực 24/24 giờ. Có những khi tưởng được nghỉ ngơi rồi nhưng khi có bệnh nhân vào cấp cứu là lại phải lập tức khoác lên mình chiếc áo blouse. Có những đêm trắng họ phải căng mắt giữ cho mình tỉnh táo, không cho phép bản thân được mệt mỏi. Có những ca phẫu thuật dài nhiều giờ đồng hồ mà sau khi thực hiện xong họ chỉ được tranh thủ chợp mắt một chốc lát ngay trên băng ghế của bệnh viện, quần áo cũng chẳng kịp thay ra.

Dù ngày nghỉ hay lễ Tết các y bác sĩ vẫn phải túc trực tại bệnh viện.

Dù ngày nghỉ hay lễ Tết các y bác sĩ vẫn phải túc trực tại bệnh viện.

Cái nghề phải làm việc khi người khác được nghỉ ngơi

Làm ngành y là xác định rất hiếm khi có được ngày nghỉ trọn vẹn. Những ngày cuối tuần, lễ Tết nếu không phải ca trực thì họ cũng đảm bảo phải lập tức có mặt tại bệnh viện khi có trường hợp khẩn cấp. Dịp Tết Mậu Tuất 2018 vừa qua, khi mọi người được nghỉ ngơi, đi chơi, tiệc tùng vui vẻ thì báo chí cũng ghi nhận trong 6 ngày Tết có hơn 4.180 người nhập viện vì đánh nhau, 197 người cấp cứu do nổ pháo, 24.000 ca khám, cấp cứu do tai nạn giao thông (theo Báo cáo tổng hợp công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 của Bộ Y tế). Như vậy trong 6 ngày Tết, trung mình mỗi ngày các y bác sĩ phải đón tiếp đến 5.000 ca nhập viện, chưa kể hàng nghìn ca cấp cứu do bị ngộ độc thực phẩm, say xỉn quá nhiều.

Những con số biết nói cho thấy sự vất vả, trách nhiệm to lớn và áp lực nặng nề mà những người làm ngành y đang phải đối mặt. Lực lượng những người làm ngành y đôi khi không đáp ứng được số lượng bệnh nhân quá tải.

Nhiều bác sĩ phải tranh thủ chợp mắt ngủ gục sau ca phẫu thuật kéo dài.

Cái nghề nhận lấy những mệt mỏi để người khác được khỏe mạnh

Nếu cho rằng nghề bác sĩ thu nhập cao thì điều đó cũng hoàn toàn xứng đáng với công sức, cống hiến của họ. Nhưng nghề bác sĩ chưa bao giờ là một nghề nhàn hạ. Có lẽ chẳng có ai đến với nghề y vì tham vọng làm giàu. Tất cả đều xuất phát từ cái tâm muốn được chữa lành những bệnh tật, xoa dịu những nỗi đau cho người khác.

Có nhiều người quyết tâm theo đuổi nghề y vì nỗi đau mất người thân do bệnh tật trong quá khứ. Thầy thuốc chính là những người nhận về những vất vả, mệt mỏi để người khác được khỏe mạnh.

Cái nghề đảm bảo tính mạng cho người khác nhưng đôi khi tính mạng họ lại bị đe dọa

Làm thầy thuốc là gánh trên vai trọng trách cứu người, thầy thuốc nào cũng mong chữa lành bệnh cho bệnh nhân, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là danh dự của người thầy thuốc. Nhưng thực tế không phải bệnh nào cũng chữa khỏi, không phải ca cấp cứu nào cũng cứu được người, không phải cuộc phẫu thuật nào cũng thành công. Khi đó các y bác sĩ phải đối mặt với sự hành hung, quá khích của người nhà bệnh nhân.

Hành hung bác sĩ được coi là vấn nạn của ngành y năm 2017. Trong 1 năm xảy đến 7 vụ hành hung bác sĩ, trong đó có những bác sĩ bị đánh đập dã man dẫn đến đa chấn thương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Trong chương trình Táo Quân 2018, nhân vật Táo Y tế đã tạo ra những tiếng cười đầy chua chát: “Tôi không đi dép là có lý do cả. Ngọc Hoàng giải quyết giúp em chứ em không thể cứ vừa chữa bệnh vừa tranh thủ tháo giày, tháo dép chạy trốn để né người nhà bệnh nhân đánh đập”.

 

Bác sĩ Đỗ Chính Nghĩa bị hành hung khi đang cấp cứu cho người bị tai nạn giao thông ở ven đường.

Cái nghề cứu sống hàng ngàn bệnh nhân không ai biết nhưng chỉ cần một lần mắc sai lầm là sự nghiệp coi như sụp đổ

Các cụ có câu “Sai một li, đi một dặm” nhưng với người thầy thuốc thì sai một li là đi cả nghìn dặm. Nghề của họ đòi hỏi sự chính xác cao độ bởi chỉ một sai lầm nhỏ cũng có thể phải đánh đổi bằng cả tính mạng của bệnh nhân. Người làm nghề y phải làm việc dưới rất nhiều áp lực, áp lực từ bệnh nhân, từ người nhà bệnh nhân, từ chính quyền, từ báo chí và từ chính lương tâm nghề nghiệp của mình. Họ không cho phép mình mắc sai lầm, họ không được phép mắc sai lầm bởi chỉ cần một lần mắc sai lầm thôi là tên tuổi họ sẽ phủ kín trang nhất các báo, bị xã hội chỉ trích và sự nghiệp coi như tiêu tan.

Táo Y tế phản ánh vấn nạn hành hung các bác sĩ trên sân khấu Táo Quân 2018

Sau tất cả những điều ấy liệu họ có cần được vinh danh?

Nếu không có những người thầy thuốc thì sức khỏe của chúng ta sẽ ra sao? Người ta vẫn vinh danh, ca tụng những người làm nghề thầy thuốc vào ngày 27/2 hàng năm. Nhưng có lẽ, những người làm ngành y cần nhiều hơn sự thấu hiểu, tôn trọng, thay vì những lời tung hô sáo rỗng. Thầy thuốc chăm lo cho sức khỏe của người khác nhưng bản thân họ cũng cần được bảo vệ, cần có một môi trường an toàn để hoàn thành trách nhiệm cứu đời, giúp người.

Người thầy thuốc rất cần được tôn trọng và đảm bảo an toàn.

Nguồn: Hằng Nga (Baodatviet.vn)

Ngày Thầy thuốc Việt Nam, tri ân những người làm ngành y thế nào cho đúng?
Hotline0812217575